Nhớ trận đánh Thanh Thủy - Xẻo Giá…!

21/02/2019 | 09:53 GMT+7

Ban Liên lạc Truyền thống Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 330 - Quân khu 9) phối hợp với lãnh đạo xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cùng Nhân dân địa phương tổ chức Lễ giỗ tập thể nhằm tri ân những liệt sĩ hy sinh trận đánh Thanh Thủy - Xẻo Giá.

Cán bộ, cán bộ lão thành, Nhân dân mặc niệm tại Lễ giỗ tập thể liệt sĩ trận Thanh Thủy - Xẻo Giá.

Trận đánh bi hùng

Trung tướng Nguyễn Việt Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân khu 9, lúc đó (năm 1967) mới 16 tuổi, là chiến sĩ Tiểu đoàn 303. Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng trận đánh bi hùng ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của vị tướng này.

“Hồi đó, ở đây hoang vu rộng lớn, đơn vị chúng tôi đóng quân tại vịnh Xẻo Giá bên dòng kênh Thanh Thủy. Sáng ngày 16-2-1967, khi phát hiện bộ đội ta, địch đã cho trực thăng đổ quân và máy bay phản lực ném bom vào đội hình. Lực lượng của chúng gồm 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 21 và Tiểu đoàn biệt động quân 44; trong khi phía ta chỉ có Tiểu đoàn 330 thiếu”, trung tướng Nguyễn Việt Quân kể.

Sau gần một ngày đánh trả quyết liệt, bộ đội ta đã bẻ gãy hàng chục đợt tấn công với mật độ bom dày đặc. Đồng thời, ta cũng loại khỏi vòng chiến đấu hơn 350 tên địch, bắn rơi 13 trực thăng quân sự UH-1 và 2 máy bay phản lực ném bom F-105. Đây là một trong những trận đánh ta bắn rơi nhiều máy bay nhất ở miền Tây Nam bộ, chỉ sau trận Chà Là ở Cà Mau ta bắn rơi 21 chiếc, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Trung tướng Nguyễn Việt Quân nhấn mạnh: “Chiến thắng này đã góp phần làm thất bại chiến thuật “Trực thăng vận” được cho là tân kỳ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam từ năm 1960 của Mỹ - Ngụy”.

Tuy nhiên, để có chiến thắng đó ta thiệt hại không nhỏ. Cụ thể, tổng số có 68 người chết, trong đó đơn vị 303 hy sinh 63 chiến sĩ và bị thương 25 đồng chí, du kích và cán bộ dân chánh ấp hy sinh 5 đồng chí. Liệt sĩ ta nằm rải rác khắp các tuyến công sự trên vịnh Xẻo Giá...

Nhìn Bia tưởng niệm, thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 303, xúc động nói: “Trận đánh này diễn ra không cân sức và ác liệt, anh em chúng ta chiến đấu hết sức kiên cường, dũng cảm”.

Nổi bật có đồng chí Đại đội phó Trương Vĩnh Nguyên đã dẫn mũi, xung phong đánh địch ngoài đồng trống và anh dũng hy sinh. Hay nhà văn, nhà báo Lê Vĩnh Hòa không sợ nguy hiểm đã vác máy quay phim đi cùng bộ đội và ngã xuống mảnh đất này. Rất tiếc là máy quay phim bị hỏng nên không còn hình ảnh nào về trận đánh. Hoặc đồng chí Danh Đậm, 13 tuổi, trước khi bị địch bắt đồng chí đã đập gãy hai khẩu súng để không để vũ khí rơi vào tay giặc...

“Bài học lớn nhất từ trận đánh Thanh Thủy - Xẻo Giá là ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đã liên tục tấn công địch trong điều kiện chúng đông hơn ta gấp 10 lần, có cả phi cơ và pháo binh yểm trợ. Song không một ai lùi về phía sau hay bỏ ngũ mà sẵn sàng chấp nhận hy sinh”, thiếu tướng Trần Vinh Quang khẳng định.

Duy trì “Ngày tri ân”

Năm 2016, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh và Ban Liên lạc Trung đoàn 1, huyện Long Mỹ đã xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ trận Thanh Thủy - Xẻo Giá trên diện tích 500m2 ngay chiến trường diễn ra trận đánh năm xưa, tổng vốn đầu tư 1 tỉ đồng.

“Từ đó đến nay, địa phương đều tổ chức Lễ giỗ tập thể liệt sĩ. Năm đầu tiên tổ chức vài mâm cơm do chưa biết địa chỉ cụ thể của các cô, chú cựu chiến binh. Sau đó tìm hiểu và thông báo cho các cô, chú biết. Đến lần thứ 3 này, gần 200 cô, chú cùng lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện và xã Vĩnh Viễn A tham dự. Chúng tôi rất tự hào khi được các cô, chú đồng tình ủng hộ”, ông Chiêm Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Viễn A, chia sẻ.

Bà Phạm Thị Bé, ngụ ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, tham gia đủ 3 lần Lễ giỗ tập thể liệt sĩ. Bà Bé bày tỏ: “Bà con ở đây lúc nào cũng ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này nên khi chính quyền địa phương xây dựng Bia tưởng niệm thì ai cũng đồng tình. Mỗi người đều góp công, góp của mong muốn xây dựng bia thật trang nghiêm để sớm hôm hương khói. Bây giờ còn tổ chức Lễ giỗ thì thật xúc động”.

Tiếp nối truyền thống đơn vị lập công xuất sắc trận Thanh Thủy - Xẻo Giá năm xưa, thiếu tá Phạm Phương Nam, Chính trị viên Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, nói: “Ý nghĩa lịch sử của trận thắng này sẽ là tư liệu, bài học quý báu để đơn vị giáo dục cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ thấy được những giá trị và thành quả to lớn mà thế hệ ông cha đã đánh đổi bằng xương máu mới có ngày hôm nay. Từ đó, quyết tâm học tập, phấn đấu rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Còn anh Nguyễn Phước Dũng, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Viễn A, cho rằng: “Các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn luôn tự hào về truyền thống chống quân xâm lược của thế hệ cha anh, đặc biệt là những chiến công ngay tại quê hương mình. Để xứng đáng với sự hy sinh đó, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Theo ông Chiêm Hữu Phước, sắp tới, lãnh đạo xã Vĩnh Viễn A sẽ đề xuất và lập đề án mở rộng khuôn viên Nhà Bia tưởng niệm liệt sĩ trận Thanh Thủy - Xẻo Giá khoảng 1.000m2, trồng thêm cây xanh, nâng cấp các tuyến đường để người dân, nhất là học sinh đến viếng thuận tiện hơn. Đặc biệt, “Ngày tri ân” mùng 7 Tết Nguyên đán hàng năm cũng sẽ được duy trì với sự tham gia của nhiều thành phần để mọi người “Viếng liệt sĩ thành tâm đạo nghĩa/Thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn!”.

Ba năm qua, cứ đúng ngày mùng 7 Tết Nguyên đán, Ban Liên lạc Truyền thống Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 330 - Quân khu 9) phối hợp với lãnh đạo xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cùng Nhân dân địa phương tổ chức Lễ giỗ tập thể nhằm tri ân những liệt sĩ hy sinh trận đánh Thanh Thủy - Xẻo Giá (mùng 7 tết năm 1967).

 

Bài, ảnh: V.NGUYỄN - T.KIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>