Nhớ lời chú Sáu căn dặn

23/03/2020 | 08:10 GMT+7

(Chú Sáu Hậu - Lê Phước Thọ)

“Sau khi chia tách (2004), tỉnh Hậu Giang mình - quê hương vốn có truyền thống cách mạng, nơi có những cuộc chiến đấu ác liệt mang tính lịch sử trong kháng chiến - vẫn còn nghèo lắm, cơ sở hạ tầng yếu kém, dân trí so với mặt bằng khu vực còn khoảng cách xa. Hậu Giang có hơn 75% là đất sản xuất nông nghiệp, trên 70% người dân sống bằng nghề làm ruộng. Cho nên, mấy đứa làm lãnh đạo tỉnh phải nghiên cứu, suy nghĩ từ đây, đưa ra giải pháp, quyết sách phù hợp, gần gũi, sâu sát; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, các địa phương lân cận. Qua đó, dồn nguồn lực đưa tỉnh phát triển, mục đích chính là nông nghiệp phải phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân” - đó là lời căn dặn, nhắn nhủ, gửi gắm, động viên của chú Sáu Hậu (Lê Phước Thọ) nhân một lần đến thăm khi tôi được nhận chức làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Tuổi cao nhưng chú Sáu Hậu vẫn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho các địa phương trong vùng. Ảnh: Cao Phong

Tôi được sinh ra vào những năm đầu cuộc đồng khởi của miền Tây Nam bộ, ở làng quê Đông Phước, Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Đối với chú Sáu chắc có lẽ tôi là “thế hệ thứ ba” được thừa hưởng truyền thống cực kỳ quý báu của bao thế hệ đi trước để lại.

Năm lên 7-8 tuổi mới được đi học ở trường Long Thạnh - Phụng Hiệp, gia đình nghèo nhưng cha mẹ luôn căn dặn: Phải cố gắng đi học. Mùa khô tôi cùng vài người bạn đi bộ, mùa nước nổi phải đi bằng xuồng một vài cây số đến trường. Sáu tuổi sống với bà ngoại, vì ngoại tôi chỉ sống một mình, các cậu, dì đi tập kết ra Bắc từ lúc tôi chưa sinh ra. Năm 12-14 tuổi, vừa đi học, vừa phụ quán bán cà phê và đi bán cà rem; có lúc đi cấy lúa thần nông mướn với bà ngoại. Cuộc sống dù khó khăn, bà ngoại và tôi luôn cố gắng vượt qua. Bà ngoại rất thương tôi.

Mãi đến cuối năm 1972 - đầu năm 1973, bà ngoại được tin các cậu tập kết ở miền Bắc về miền Đông, Rạch Giá, Cà Mau. Thế là tháng 4-1973, năm 15 tuổi, tôi cùng bà ngoại vào chiến khu (Trạm T3), rồi về Cà Mau. Ngoại được tổ chức theo đường dây ra Bắc sum họp cậu - dì, tôi ở lại Cà Mau công tác ở Ban Tổ chức - khu Tây Nam bộ. Sau giải phóng về tiếp quản ở Cần Thơ. Đến tháng 4-1976, khu giải tán, tôi được phân công về công an ở Khám Lớn Cần Thơ (nơi ngày xưa chế độ cũ giam những người yêu nước, tham gia cách mạng).

Được một thời gian, cuối năm 1977, tôi được đưa về xí nghiệp LHCT 4 - Bộ Giao thông Vận tải, làm bảo vệ - công nhân xây dựng. Đầu năm 1982, vào quân đội rồi làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1989, rút quân về nước, sau 16 năm công tác xa quê hương mới được sống gần nhà. Ở quân đội từ năm 1982 đến tháng 6-2010, tôi được chuyển ngành ra Dân chánh Đảng.

Kể về cuộc đời riêng tư của mình hơi dài dòng, chỉ muốn tâm sự đôi điều: Dù ở nhiều cương vị khác nhau: nhân viên văn thư, công an trại giam, bảo vệ - công nhân xây dựng, chiến sĩ, chỉ huy cấp phân đội trong quân đội; Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đến khi về hưu tôi luôn tâm niệm: “Về quê hương đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương”. Vì như chú Sáu Hậu từng nhắc chúng tôi: “Người dân còn nghèo, còn khó khăn lắm!”.

Tôi thì chưa được gần gũi nhiều chú Sáu Hậu, chỉ được biết qua lời kể của các bác, các chú, các anh đi trước… Điều mà tôi kính trọng đối với chú Sáu là: Một người từng trải, “nằm gai - nếm mật”, bản lĩnh; một nhân cách tiêu biểu, phong cách lãnh đạo sâu sát, gần gũi, sẻ chia; nghiêm khắc nhưng chân tình; lo âu nhưng trách nhiệm, rất thống hiểu nỗi khổ của Nhân dân, nỗi lo chung của dân tộc, của quê hương. Nhớ, thương chú lắm những năm 1973-1974, chú bị thương - nhiễm trùng đau buốt nhưng luôn giữ vững sự lạc quan. Thời điểm 1975-1982, ở các chức vụ lãnh đạo địa phương khác nhau đã chấp hành sự phân công nghiêm túc, nỗ lực phấn đấu phi thường là tấm gương sáng, tiêu biểu của bản lĩnh người cán bộ trung kiên của Đảng. Chú rất quan tâm cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến… Đặc biệt chú dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhắc để nhớ hình ảnh đậm dấu ấn của chú Sáu ở những vùng đất lung bàu thời điểm cần người “cầm lái vượt khó” ở Tập Đoàn sản xuất Lung Đen (Kế Sách), Bưng Tan (Long Phú)… gắn liền với người dân địa phương. Mãi khi về Trung ương chú Sáu vẫn đau đáu trong lòng về sản xuất nông nghiệp nước nhà.

“Hậu Giang mình - quê hương vốn có truyền thống cách mạng, nơi có những cuộc chiến đấu ác liệt mang tính lịch sử trong kháng chiến - vẫn còn nghèo lắm, cơ sở hạ tầng yếu kém, dân trí so với mặt bằng khu vực còn khoảng cách xa. Hậu Giang có hơn 75% là đất sản xuất nông nghiệp, trên 70% người dân sống bằng nghề làm ruộng. Cho nên, mấy đứa làm lãnh đạo tỉnh phải nghiên cứu, suy nghĩ từ đây, đưa ra giải pháp, quyết sách phù hợp, gần gũi, sâu sát; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, các địa phương lân cận. Qua đó, dồn nguồn lực đưa tỉnh phát triển, mục đích chính là nông nghiệp phải phát triển, nâng cao đời sống nhân dân” - lời nhắc, lời dạy của chú Sáu Hậu là một động lực để tôi phấn đấu, đóng góp một phần sức lực cho quê hương Hậu Giang.

Khi tôi được về hưu (tháng 1-2018), trở lại cuộc sống đời thường, không sử dụng điện thoại, ít tiếp xúc; có lần chú Sáu “mắng yêu”: “Tao không chơi với thằng Bảy Chánh nữa, vì có lúc tao muốn gặp nó khó quá”! Câu nói mộc mạc chất chứa ân tình của chú, tôi thật xúc động; thấy mình có lỗi với tấm chân tình của chú!

Chú Sáu - Lê Phước Thọ nay đã ngoài chín mươi - tuổi xưa nay hiếm (quá hiếm) vẫn thường xuyên rèn luyện sức khỏe, ăn uống điều độ, thường xuyên xem báo đài. Ngoài ra, chú vẫn dành thời gian viết thư góp ý cho các địa phương về các di tích lịch sử, hồi ký… Tôi biết, những năm gần đây chú Sáu vẫn dành thời gian tham dự các cuộc họp, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Trường Đại học Cần Thơ về các lĩnh vực nông nghiệp, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Khi có dịp tiếp xúc với một số cán bộ Trung ương tới thăm, chú vẫn thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với mong muốn đất nước ngày càng phát triển.

Khi thím Sáu mất, chú rất buồn, nhưng bù lại phần nào, các anh chị, con cháu của chú Sáu đều thành đạt - đây là niềm vui nhất của tuổi già để chú sống vui, sống khỏe. Những lời căn dặn, đạo đức, phong cách sống, suốt cuộc đời tận tụy với công việc; một người trách nhiệm, chân tình, cởi mở, chia sẻ như chú Sáu sẽ mãi là tài sản quý báu, tấm gương sáng cho bản thân tôi và các thế hệ mãi mãi trân trọng giữ gìn, khắc ghi.

Hậu Giang cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mong các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có thể tiếp thu ý kiến đóng góp của chú Sáu vẫn còn nguyên tính thời sự hiện nay: “Lãnh đạo tỉnh phải nghiên cứu, suy nghĩ, đưa ra giải pháp, quyết sách phù hợp, gần gũi, sâu sát với dân; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, các địa phương lân cận. Qua đó, dồn nguồn lực đưa Hậu Giang phát triển, mục đích chính là nông nghiệp phải phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân”.

Kính chúc chú Sáu Hậu - Lê Phước Thọ

Sống lâu - sống khỏe!

Trân trọng !

TRẦN CÔNG CHÁNH Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>