Nhiệt huyết và trách nhiệm với nghề báo

17/06/2022 | 07:21 GMT+7

Thời gian qua, báo chí Hậu Giang được đánh giá là không ngừng sáng tạo để cho ra những sản phẩm chất lượng, góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quyết sách của chính quyền đi vào cuộc sống. Kết quả này đến từ sự tâm huyết, cống hiến của lực lượng phóng viên, nhà báo tỉnh nhà.

“Say nghề” thì ngại gì khó

Nhắc tới Hồng Diễm (Báo Hậu Giang), hẳn nhiều người nhớ ngay đến hình ảnh nữ phóng viên (PV) “nhẹ cân” nhưng giàu nhiệt huyết với nghề. Là nhà báo, việc đi nhiều, viết nhiều là điều không thể nào tránh khỏi. Bất kể nhân vật ở vùng sâu, vùng xa, chị đều sẵn sàng “xách máy lên và đi”. Những chuyến đi sớm, về trễ cũng không còn xa lạ, lắm lúc nghĩ đến con, chị có chút chạnh lòng.

PV Hồng Diễm luôn nhiệt huyết với nghề báo.

Nghề báo là một trong số ít nghề nghiệp không bị ngưng trệ vì dịch Covid-19, ngược lại, nhiều PV còn phải làm việc với cường độ công việc cao hơn so với bình thường. Tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh nguy hiểm đã khó, riêng đối với PV nữ lại khó thêm bội phần, vậy mà PV Hồng Diễm đã làm được, làm tốt.

Chị luôn có mặt tại những ổ dịch trong cộng đồng để mang đến cho độc giả những thông tin, hình ảnh chân thực nhất, cảm động nhất về các y, bác sĩ, tình quân dân, quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau” của các cấp, các ngành.

“Biết là dịch bệnh nguy hiểm, nhưng tôi luôn tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn cho bản thân nên không cảm thấy lo lắng khi đi tác nghiệp ở bệnh viện, khu cách ly… Lần đầu tiên tôi sử dụng bộ đồ bảo hộ tiêu chuẩn của bệnh viện, với nhiều lớp kín mít, nóng bức, không thoát được mồ hôi, trên mặt cũng phải đeo nhiều lớp khẩu trang và kính che, khi tháo bộ đồ ra cũng phải đúng quy trình từng lớp, kèm xịt khử khuẩn. Lần đó, tôi chỉ mặc thời gian ngắn nhưng khi cởi bỏ bộ đồ thì toàn thân đã ướt đẫm mồ hôi, cảm giác ngột ngạt khó tả. Từ đó, tôi càng thêm khâm phục, cảm thông và yêu thương các y, bác sĩ phải làm việc cả ngày trong điều kiện như thế”, PV Hồng Diễm chia sẻ.

Tác nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 chỉ là một trong số nhiều lần “lửa thử vàng, gian nan thử sức” của PV Hồng Diễm trong nghề báo. Nữ PV này cho rằng muốn có những tác phẩm hay thì người PV cần phải lăn lộn với nghề, không ngại khó, ngại khổ đeo bám khai thác những chi tiết đắt giá trong cuộc sống và công việc của nhân vật.

“Phải thực sự gần gũi, thể hiện thiện chí thì người dân sẽ nói hết những tâm tư, tình cảm. Do đó, có những bài viết tôi phải tiếp xúc với nhân vật nhiều lần bất kể là ngày hay đêm để tạo cho họ sự gần gũi. Ngày đi, đêm viết, những chuyến công tác xa với nắng gió, mưa mùa không làm chùn bước chân tôi. Một khi đã “say nghề” thì nắng, mưa không còn là vấn đề đáng kể”, PV Hồng Diễm tâm sự.

Chính sự “cháy hết mình” như thế với nghề đã giúp PV Hồng Diễm đạt thành tích đáng nể tại các giải báo chí cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc thời gian qua. Bằng tình yêu và sự tâm huyết với nghề, PV Hồng Diễm đã và đang không ngừng trau dồi, học hỏi để ngày càng trưởng thành hơn về chuyên môn, nghiệp vụ. Hơn hết, chị muốn thực hiện thêm những tác phẩm có giá trị để đồng hành và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hết mình với nghề

Chương trình thời sự tối trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang với nhiều thông tin bổ ích trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và trong nước. Mỗi chương trình được phát sóng là công sức của nhiều người, trong đó có vai trò của Tổ biên tập viên (BTV) chương trình thời sự gồm: Hà Linh, Ngọc Thưa, Ngọc Trân. Nhiệm vụ của họ là tập hợp, biên tập, dẫn dắt, kết nối các tin, phóng sự của PV thành chương trình thời sự buổi tối.

BTV Ngọc Thưa (phải) và BTV Ngọc Trân trao đổi công việc.

Thông thường, mỗi chương trình thời sự sử dụng 5 phóng sự và trên 10 tin; mỗi chị luân phiên phụ trách biên tập chương trình một ngày. Các chị cho biết thời lượng chương trình chỉ 30 phút nên phải “nén” làm sao để có sự đa dạng nhất về thông tin. Buổi chiều luôn là khoảng thời gian áp lực nhất đối với mỗi BTV, bởi họ phải tiếp nhận, xử lý nhiều tin, bài tại các sự kiện, hoạt động, cuộc họp diễn ra trong tỉnh; rồi phối hợp thực hiện công đoạn dựng hình, trình lãnh đạo phòng, Ban Giám đốc kiểm duyệt chương trình trước khi phát sóng…

Các chị ví von làm chương trình thời sự giống như “ngồi trên ghế nóng” rất căng thẳng, lo lắng, bởi nếu thông tin đầu vào tốt sẽ cho ra một chương trình tốt; ngược lại, nếu tin, bài viết thiếu thông tin hay phóng sự không hay thì lãnh đạo sẽ không cho phát sóng, lúc đó phải xử lý lại nội dung, hình ảnh…

Dù rất nhiều áp lực nhưng các chị luôn đảm bảo sự nhanh chóng, chính xác, hấp dẫn về mặt thông tin. Yêu nghề và không ngừng nỗ lực, phấn đấu từng ngày, từng giờ là yếu tố giúp các chị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công việc của mỗi chị thường bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Buổi trưa là thời điểm mà phóng viên gửi tin, bài từ các cuộc họp buổi sáng nên họ phải tranh thủ ăn cơm tại cơ quan rồi bắt tay vào biên tập tin, bài. Cách làm này dù cực nhưng giúp họ giảm bớt khối lượng công việc cho buổi chiều.

Do bận rộn nên các chị thường bỏ qua bữa cơm chiều, bữa cơm tối muộn sẽ đến sau khi chương trình thời sự được phát sóng. Trong 3 người thì BTV Hà Linh có nhiều kinh nghiệm nhất, để tạo sự mới mẻ cho chương trình, chị thường xuyên sử dụng hình ảnh 3D minh họa hay áp dụng phim trường ảo… giúp nội dung có sự hấp dẫn, thu hút hơn. Là thế hệ đi sau, BTV Ngọc Thưa và BTV Ngọc Trân luôn cố gắng học hỏi đàn chị để ngày càng có sự tiến bộ trong nghề, đáp ứng được sự mong đợi của quản lý phòng, lãnh đạo cơ quan.

Khi không làm chương trình thời sự thì các chị sẽ đi tác nghiệp, việc này bổ trợ rất nhiều cho công tác biên tập. Cả 3 chị đều có gia đình, có con nhỏ, trong đó, BTV Ngọc Trân có con nhỏ nhất gần 1 tuổi. Một khi trở thành BTV chương trình thời sự thì hầu như các chị phải bỏ hết chuyện gia đình, con cái. Bên cạnh nỗ lực của bản thân thì sự quan tâm tạo điều kiện của quản lý phòng, Ban Giám đốc Đài; sự sẻ chia, đồng cảm của người thân trong gia đình là chỗ dựa cũng là niềm tin vững chắc để các chị vượt qua mọi khó khăn, áp lực của nghề báo, mang đến những chương trình thời sự chất lượng, ý nghĩa, hấp dẫn cho bạn xem đài gần xa.

“Lửa nghề” của phóng viên đài huyện

Thời điểm mới vào nghề cách đây hơn 10 năm, anh Lê Đĩnh, PV của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Phụng Hiệp, cảm thấy công việc làm PV như quá sức với mình, nhiều lúc trong anh có suy nghĩ muốn bỏ nghề để tìm một công việc khác phù hợp hơn với bản thân. Nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời từ lãnh đạo cơ quan, đặc biệt là đồng nghiệp đã nhiệt tình “cầm tay chỉ việc” nên PV Lê Đĩnh không ngừng trưởng thành, tình yêu nghề ngày càng lớn dần trong anh.

PV Lê Đĩnh trong một lần tác nghiệp.

Qua 10 năm gắn bó với nghề, hàng ngàn tin, bài, phóng sự do anh Lê Đĩnh thực hiện đã được đăng tải, phát sóng trên Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang. Trong đó có không ít tin, phóng sự phản ánh về tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, xây dựng nhà trái phép, sử dụng điện không an toàn hay tình trạng thiếu ý thức của một số người trong công tác phòng, chống dịch Covid-19… Các tác phẩm ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp chính quyền các cấp và ngành chức năng có liên quan kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân.

Dù là PV đài huyện nhưng anh Lê Đĩnh phải thực hiện nhiệm vụ với cường độ cao. Một buổi sáng tác nghiệp tại hội nghị, anh vừa cầm máy quay để ghi hình, vừa cầm micro, máy ghi âm để phỏng vấn. Ăn xong bữa cơm trưa là anh ngồi ngay vào bàn làm việc viết tin, bài để phát cho chương trình phát thanh của đài huyện và gửi cộng tác với các cơ quan báo, đài của tỉnh. Để tác phẩm phát thanh tạo ra hiệu ứng tốt, anh cố gắng viết ngắn gọn, ngôn từ dễ hiểu, dễ nhớ. Anh cố gắng ghi nhận, phỏng vấn nhiều ý kiến của người dân để tác phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống.

Với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết với nghề, PV Lê Đĩnh đã góp phần đưa những thông tin thời sự của địa phương đến với người dân một cách nhanh nhất, trung thực nhất. Đó cũng là động lực để anh đi nhiều hơn, viết nhiều hơn...

Có thể nói, báo chí tỉnh nhà đang sở hữu lực lượng những người làm báo rất giàu nhiệt huyết và luôn “cháy” hết mình với nghề. Họ luôn biết cách vượt qua khó khăn, không ngừng học hỏi về nghiệp vụ để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, như góp thêm những “viên gạch” để cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, phát triển ổn định, vững tiến tương lai.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>