Nghe chuyện kể ở xã anh hùng

28/04/2017 | 08:37 GMT+7

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp) đã kiên trung bám đất, bám làng để sản xuất, chiến đấu, chống địch gom dân, lập ấp chiến lược. Mỗi lần nhớ lại, càng thấy tự hào...

Chính quyền địa phương đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Bông.

Hòa Mỹ là xã có đông gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhất của huyện Phụng Hiệp cũng như của tỉnh. Sau hai cuộc kháng chiến của dân tộc, xã Hòa Mỹ có 454 liệt sĩ, 164 thương binh…

Vùng đất khiến quân thù khiếp sợ

Nhớ lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của quân và dân Hòa Mỹ, với giọng hào sảng đúng chất Nam bộ, ông Nguyễn Văn Thọ (Ba Thọ), ở ấp Mỹ Phú, bồi hồi kể, đầu năm 1962, du kích xã Hòa Mỹ cùng với địa phương quân và du kích xã Long Thạnh đánh địch đi càn, diệt tại chỗ 15 tên, chặn đánh và tiêu diệt 24 tên đồn La Bách ra ứng cứu, kết quả thu được 14 súng các loại. Ngoài ra, du kích xã tiếp tục bao vây đồn La Bách, làm cho chúng hoang mang, rút chạy. Đầu tháng 8-1964, phối hợp với đơn vị 309 và địa phương quân huyện Phụng Hiệp chặn đánh Tiểu đoàn bảo an 29, Tiểu khu Phong Dinh, trận này tiêu diệt được 2 trung đội của địch. “Trong nhiều lần đối đầu với quân thù, tôi nhớ nhất là trận Sơn Trắng. Hôm ấy, địa phương quân huyện Phụng Hiệp và địa phương quân huyện Long Mỹ tập trung bàn kế hoạch, chuẩn bị đánh đồn Cầu Đình thì bị địch phát hiện. Lúc ấy, bọn chúng đã tập trung lực lượng gồm Sư đoàn 21, đại đội bảo an vây đánh bộ đội của ta từ nhiều hướng. Mặc dù quân địch đông, vũ khí hiện đại, nhưng bộ đội ta anh dũng chiến đấu, trong trận đánh đó, đồng đội của ta cũng hy sinh rất nhiều. Dù đau thương, mất mát nhưng những người con ưu tú của làng quê Hòa Mỹ luôn vươn cao ngọn cờ cách mạng, quyết không khuất phục quân thù”, ông Ba Thọ chia sẻ.

Từng trực tiếp chiến đấu, hơn ai hết, ông Ba Thọ hiểu rất rõ về những mất mát, hy sinh do chiến tranh gây ra. Năm 1959, khi mới 17 tuổi, ông đã hăng hái lên đường làm nghĩa vụ của người trai với Tổ quốc. Những năm ấy, chiến tranh ác liệt, sống hôm nay chẳng biết ngày mai. Trong một lần gài mìn quân giặc, ông đã giết được 3 tên địch, làm bị thương 6 tên, nhưng ông cũng bị thương nặng ở chân. Dẫu bỏ lại chiến trường một phần thân thể, nhưng với ông đó là vết thương của sự vinh dự, của niềm kiêu hãnh dân tộc.

Không riêng ông Ba Thọ mà rất nhiều người con của quê hương Hòa Mỹ đã anh dũng chiến đấu, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, có lúc gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, quân và dân Hòa Mỹ đã anh dũng chiến đấu, kiên cường vượt qua mọi khó khăn gian khổ chống lại kẻ thù xâm lược. Với tinh thần “Người trước ngã, người sau tiến tới”, quân và dân xã Hòa Mỹ đã lập nên những thành tích đáng trân trọng, tự hào. Đến cuối năm 1974, xã Hòa Mỹ cơ bản được giải phóng, quân và dân nơi đây tích cực chi viện cho các xã bạn, góp phần cùng làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam. 

Năm 1976, xã Hòa Mỹ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là xã đầu tiên của huyện Phụng Hiệp được phong tặng danh hiệu cao quý và đáng tự hào này.

Hòa Mỹ hôm nay…

Sau giải phóng, đời sống người dân xã Hòa Mỹ còn khó khăn vô cùng, diện tích đất tự nhiên của xã tương đối lớn, với 6.000ha, nhưng diện tích trồng lúa nước chỉ chiếm 18,7%. Số diện tích còn lại chủ yếu là hoang hóa, nhiễm phèn nặng và hố bom, chông, mìn… Do đó, người dân không thể sản xuất, thậm chí có những lúc còn thiếu đói, Nhà nước phải trợ cấp hàng chục tấn gạo để cứu đói. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội yếu kém, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, lộ sá đứt quãng, cầu cống chằng chịt, trường học, trạm y tế tạm bợ…

Trước khó khăn đó, cùng với sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Mỹ đã tập trung khai hóa, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, gắn với vận động nhân dân thâm canh tăng vụ. Nhiều công trình phục vụ dân sinh như điện, nước, đường, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng. Theo nhiều cụ cao niên ở địa phương, những con đường trước đây từng là chiến hào chống địch, nay đã được đầu tư, trải nhựa, làng xóm thông thương, chuyện mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng gấp mấy mươi lần ngày trước. Ông Kim Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, bày tỏ: “Hòa Mỹ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Hòa Mỹ luôn một lòng sắt son với Đảng, Bác Hồ. Họ vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, bám trụ với làng quê. Sau giải phóng, tuy điều kiện khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu đạt được nhiều kết quả đáng kể”.

Mấy mươi năm sau ngày giải phóng, công tác chăm lo hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công luôn được xã đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm 2016, xã đã xây dựng 32 căn nhà tình nghĩa cho gia đình người có công với cách mạng, giúp mọi người an cư, lạc nghiệp. Ngoài ra, các chính sách dành cho gia đình người có công với cách mạng luôn được địa phương thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Bông, ở ấp Mỹ Hiệp, cho biết: “15 năm trước Mẹ đã được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa, bây giờ lại được hỗ trợ tiền để sửa chữa. Trước sự quan tâm chăm lo ấy, Mẹ cảm động lắm. Ngày xưa, thấy giặc xâm lược thì đánh, chứ ai đâu nghĩ đến chế độ này nọ sau này đâu! Mặc dù xã nhà còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng chính quyền địa phương luôn quan tâm đến đời sống gia đình người có công với cách mạng. Những nghĩa cử ấy rất đáng trân trọng”.

Vết thương chiến tranh cứa sâu quá, nên hiện nay đời sống người dân xã Hòa Mỹ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 40% dân số. Tuy nhiên, truyền thống anh hùng sẽ phát huy trong thời điểm xây dựng quê hương, để Hòa Mỹ vươn lên mạnh mẽ. Ông Kim Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết thêm: “Tự hào là xã anh hùng, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Mỹ quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết đã đề ra, trong đó, chú trọng về công tác chăm lo cho gia đình chính sách. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ các nguồn lực từ tuyến trên, không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mà còn nâng cao chất lượng đời sống người dân về vật chất lẫn tinh thần”.

Một lòng với Đảng, với Bác Hồ

Nhấp ly trà nóng, ông Ba Thọ khảng khái nói: “Người dân địa phương bám đất kiên cường lắm, quân địch bắn phá, máy bay rải bom đạn ngày đêm, nhưng ai nấy đều một lòng với Đảng, với Bác Hồ. Vùng đất này đã trải qua những trận đánh làm cho quân thù phải khiếp sợ như trận vây đồn La Bách, đồn Thủ Thuật…”.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>