Mẹ anh hùng và những câu chuyện chưa kể

05/02/2022 | 21:39 GMT+7

Các mẹ Việt Nam anh hùng hiện ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng với nhiều mẹ, những miền ký ức năm nào như mới hôm qua...

 “Không còn chút kỷ vật, mẹ tiếc lắm”

Tuổi già hay nhớ hay quên, nhưng những câu chuyện về thời khói lửa, về chồng, về con, Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Giỏi, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh nhớ khá rõ…

Mẹ Huỳnh Thị Giỏi buồn khi không còn tấm hình nào của chồng, con trai đã hy sinh.

Như các thiếu nữ cùng thời lúc ấy, 17 tuổi mẹ lập gia đình, chồng mẹ là chiến sĩ cách mạng. Để chồng yên tâm chiến đấu, mẹ luôn là điểm tựa vững chắc, chăm lo chu đáo cho đàn con thơ, rồi tham gia các hoạt động cách mạng. Chồng mẹ - ông Nguyễn Văn Minh hy sinh năm 1968 trong trận đánh đồn địch ở cầu Cái Sình. Lúc đó, công sự rút vô đám mía, quân giặc bao vây xung quanh bắn tỉa dữ dội, cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh rất nhiều. “Hôm thôi nôi con Út, ông ấy xin về nhà. Rồi từ đó là ra đi mãi mãi...”, mẹ Giỏi kể.

Cha hy sinh, người con trai lớn của mẹ Nguyễn Quốc Nhường đang tham gia Tiểu đoàn Tây Đô xin chuyển về địa phương, vừa phục vụ chiến đấu, vừa tới lui thăm nom mẹ và lo cho đàn em thơ. Năm 1972 trong trận bao đồn địch, anh hy sinh, khi 20 tuổi.

Gạt nước mắt, nén nỗi đau, mẹ tiếp tục hoạt động cách mạng. Mẹ bảo chỉ có giải phóng đất nước, thì mới thoát khỏi cảnh mất mát, đau thương. Biến nỗi đau thành hành động, giữa những trận vây ráp, bắt bớ của quân địch, mẹ vẫn tiếp tục hoạt động. Giặc đốt cái nhà này gia đình mẹ cất cái khác, ăn uống bữa cháo bữa rau cơ cực đủ điều. Dẫu vất vả là vậy, nhưng với sự nhanh nhẹn, mẹ đã nhiều lần qua mặt kẻ thù, chuyển thư thành công cho bộ đội.

Trong một lần nọ, vì bị chỉ điểm mẹ đã bị địch bắt giam. “Năm đó, con Út khoảng 6 tuổi, thấy mẹ bị bắt nó chạy theo khóc quá chừng, lúc đó mẹ bảo về nhà đi con, mẹ đi công chuyện chiều mẹ về. Ấy vậy mà mẹ bị nhốt tận 1 năm, mấy chị em nó đứa lớn lo cho đứa nhỏ, đùm bọc nhau mà sống”, mẹ Giỏi nhớ lại.

Mới vào tù ngày đầu tiên, quân địch tra tấn làm mẹ bị hư một con mắt. Và còn nhiều trận tra tấn mà mẹ Giỏi bảo rằng cả cuộc đời này khó có thể nào quên.

Sau giải phóng, mẹ Giỏi sống giản dị với khoản tiền chế độ của Nhà nước, năm người con của mẹ đều có cuộc sống ổn định. Mẹ chỉ tiếc một điều là không còn chút kỷ vật nào của chồng con cũng như hình ảnh để thờ phụng. “Hồi trước ông nhà và thằng Nhường được kết nạp Đảng cả rồi, hình chụp có cờ Đảng, sợ bị quân địch phát hiện nếu làm hình thờ như vậy, Ban nhiếp ảnh mới lấy những giấy tờ đó để làm hình lại. Nào ngờ địch tấn công, người làm hình hy sinh, hình ảnh bị mất hết”, mẹ Giỏi kể.

Vẻ vang đời mẹ

“Đang đi chăn trâu vậy mà bộ đội đi ngang qua, nó liền trốn nhà đi, mãi thời gian sau mới biết nó theo cách mạng”, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Huyện, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết khi nhắc đến người con trai thứ ba - liệt sĩ Hồ Thanh Phong. Trong ký ức của mẹ, liệt sĩ Phong vẫn là cậu con trai bé nhỏ nhưng gan dạ, kiên trung.

Trong ký ức của mẹ Nguyễn Thị Huyện, hai người con hy sinh rất gan dạ, dũng cảm.

Mẹ Huyện sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, khi mới 16 tuổi mẹ đã đi theo tiếng gọi của Đảng và bắt đầu tham gia phong trào ở địa phương. Những năm tháng kháng chiến ác liệt, mẹ cùng cán bộ và Nhân dân địa phương đi vận động gạo, lương thực, bản thân mẹ còn vá quần áo cho bộ đội, tham gia phá lộ cản trở quân địch hành quân... Vì chồng mẹ công tác ở Ban liên lạc Quân khu 9 nên mẹ vừa hoạt động vừa tham gia lao động sản xuất để nuôi con. Dù vất vả nhưng mẹ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ người vợ, người mẹ. Nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình, các con của mẹ Huyện đều hăng hái tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc.

“Thằng Phong đi theo cách mạng được thời gian, trong trận đánh với kẻ thù nó bị thương bấy mình mẩy, mất hai ngón tay, thấy vậy tôi mới xin cho nó về nhà để trị thương, vết thương chưa lành hẳn, nó đã quay về đơn vị”, mẹ Huyện nhớ lại. Đơn vị đóng gần nhà, liệt sĩ Phong cũng tới lui thăm gia đình. Mẹ bảo, ông nhà tôi cưng thằng Phong lắm, nó nói muốn có cái đồng hồ, ổng liền mua cho con, vậy mà đeo chưa được bao lâu nó đã hy sinh. “Nghe mấy chú kể lại, hôm thằng Phong hy sinh trên tay vẫn còn ôm khư khư khẩu súng, khi đó nó mới 20 tuổi chứ mấy”, mẹ Huyện nhớ lại.

Khi đất nước thống nhất, khoảng năm 1976 người con trai thứ năm của mẹ lên đường làm nghĩa vụ quốc tế và đã hy sinh ở nước bạn vào năm 1979. “Đó là vào tháng 10 âm lịch, mẹ sang Campuchia thăm và kêu thằng Oanh về nhà, qua Tết Nguyên đán hãy đi nữa, nhưng nó không chịu. Ai ngờ không lâu sau thì nó hy sinh, phải chi nó theo mẹ về...”, mẹ Huyện bồi hồi.

Dẫu cuộc đời nhiều lần “khóc thầm lặng lẽ” thế nhưng vượt lên tất cả sau chiến tranh, mẹ tiếp tục nuôi dạy con cháu nên người và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình. Mẹ cười hạnh phúc khoe với mọi người rằng mẹ vinh dự được đi tham quan nhiều nơi, được ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ... Giờ đây khi chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày mẹ vui lắm. Đã bước sang tuổi 92, mẹ Huyện vẫn vui khỏe vì mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như mọi người xung quanh.

Chiến tranh đã lùi xa, dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trong giọng nói, ánh mắt của nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn còn nguyên vẹn ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng, con đã chọn. Thế hệ hôm nay rất tự hào về mẹ - những Mẹ Việt Nam anh hùng.

Toàn Tỉnh có 2.021 Mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay có 74 mẹ còn sống, tất cả các mẹ đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn Tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể để chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần Mẹ Việt Nam anh hùng, giúp mẹ sống vui, sống khỏe. Những việc làm đó đã tô thắm truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

 

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>