Kỷ vật một thời “Máu và hoa”

10/02/2019 | 08:56 GMT+7

Với mong muốn lưu giữ những giá trị lịch sử cho con cháu noi gương, hàng chục năm qua những kỷ vật thời chiến luôn được giữ gìn và nâng niu, bảo quản như những tài sản ”vô giá“ - minh chứng cho một thời ”máu và hoa“ của dân tộc.

Cô Nguyễn Thị Me, ở xã Phương Bình, bên đứa cháu kể lại câu chuyện chiếc khăn tay thêu hình chiếc kẹp bồ câu.

Kỷ vật là “vô giá”

Trong không khí se se lạnh của những ngày cuối năm, tôi theo chân anh Phạm Tiết Giao, cán bộ thương binh - xã hội xã Phương Bình đến thăm gia đình cô Nguyễn Thị Me, ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp - người đang lưu giữ chiếc kẹp bồ câu, một kỷ vật mà các anh bộ đội năm xưa thường hay mang về tặng cho các mẹ, các chị và người yêu của mình làm kỷ niệm. Buổi gặp không hẹn trước, trong quán nước nhỏ gọn gàng, ngăn nắp cô Me đang trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón xuân.

Anh Tiết Giao ngân nga câu thơ:

“Anh đi Long Phụng đã lâu

Anh về thấy kẹp bồ câu em mừng”.

Mừng hé cô Me. Cô Me nở nụ cười tươi rói, đôi mắt sáng lên như gợi nhớ về kỷ niệm ngày nào. “Mấy đứa cũng biết câu thơ này nữa hả. Ừm, hồi đó người ta truyền tai nhau câu thơ này như một kỷ niệm vui về thời con gái. Đôi lứa yêu nhau, hay tặng chiếc kẹp này nhưng là hai con chim bồ câu chụm lại cùng nhau; còn nếu tặng chị, em gái thì chỉ một con chim bồ câu thôi” (kẹp bồ câu được làm bằng inox, là chiến lợi phẩm thu được của địch). Nhưng mà lúc đó cô còn nhỏ quá, chưa hiểu được ý nghĩa của nó nên khi nhận kẹp của một anh bộ đội ở Trung đoàn 1, bộ binh (khi đó đóng quân gần nhà cô) tặng mà cứ nghĩ là anh em tặng nhau kỷ niệm. Ngày đó, cô thấy chiếc kẹp đẹp quá nên cũng lấy hình ảnh đôi chim bồ câu thêu lên trên chiếc khăn tay để tặng lại cho các anh bộ đội. Chiến tranh, khói lửa, mỗi người trao nhau một vật làm kỷ niệm: chiếc kẹp, khăn tay hay bật lửa… nó như một sự động viên tinh thần cho nhau, an ủi nhau, một niềm vui nho nhỏ nhưng ấm lòng ngoài chiến trường khốc liệt.

Bưng cái tủ khá đặc biệt ra lau chùi, cô Me chia sẻ: “Cái tủ này là hồi đó anh cô mang về sau khi đánh chiếm được đồn Cái Sơn. Nghe nói đây là cái tủ của trưởng đồn đó. Gia đình cô lưu giữ lại như một kỷ niệm, nhìn nó cô thấy như hình ảnh của hai anh trai mình vẫn trẻ trung và nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần”.

Mở trong cái tủ nhỏ ấy ra, cô Me mang ra hai chiếc ví của hai người anh ra cho chúng tôi xem. Đó là một cái ví màu xanh và một cái màu đen đã cũ kỹ và bạc màu. Cô Me nói: “Nó cũ nhưng đây là hai kỷ vật “vô giá” với cô. Hai cái ví này là mẹ cô mua cho anh Tư và anh Năm lúc đi tham gia cách mạng để tiện đựng đồ đạc. Khi hai ảnh hy sinh (anh Tư hy sinh năm 1968 trong chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968, còn anh Năm hy sinh năm 1972), hai cái ví là vật duy nhất được mang về cho gia đình. Đau thương, mất mát nhưng mỗi lần nhìn hai cái ví, cô và gia đình luôn tự hào vì hai anh đã làm tròn nhiệm vụ cho Tổ quốc”.

Sống lại thời hào hùng

Mỗi kỷ vật không chỉ làm sống lại những ký ức năm tháng xưa mà còn mang những ý nghĩa thiêng liêng khác. Đó là sự trở về một thời đầy “máu và hoa” của những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và người chúng tôi nhắc đến là đại tá Lê Hiền Tài, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thầy thuốc ưu tú. Với giọng nói hào sảng đúng chất “ông già Nam bộ”, xen lẫn niềm tự hào, đại tá chia sẻ hồi ức về bộ dụng cụ phẫu thuật rất ý nghĩa đã cùng ông và đồng đội cứu chữa hàng nghìn chiến sĩ. Ông chia sẻ: “Giai đoạn 1956-1964 hồi đó, toàn tỉnh Cần Thơ, quân y không có một y sĩ nào hết mà trong lúc đó thương tích diễn biến rất phức tạp, số lượng thương binh ngày càng đông, nhất là những năm 1960-1964. Anh em quân y chúng tôi cố hết sức mà làm, rồi kinh nghiệm rèn kinh nghiệm, chủ động học tập nâng cao chuyên môn”. Thời điểm đó, chỉ với một bộ trung phẫu thuật (có tăng cường) - vừa làm trung phẫu thuật được mà làm đại phẫu thuật cũng được, đại tá Lê Hiền Tài đã cùng đồng đội mình cứu chữa gãy chi, vết thương thủng bụng, tổn thương nội tạng, cấp cứu những thương binh nặng ngoài mặt trận. Ông Tài bộc bạch: “Lúc đó, bom đạn suốt ngày luôn. Ai đánh nhau thì đánh, ai cấp cứu thương binh và mổ xẻ vết thương nặng thì làm. Giai đoạn đó, rất khó khăn gian khổ. Thời trai trẻ của chúng tôi gửi lại ở đây với nhiều hồi ức oanh liệt”. Theo lời ông Tài thì sau khi ông được phân công làm chủ nhiệm hậu cần của tỉnh Hậu Giang lớn thì đã giao lại bộ trung phẫu thuật đó cho Ban Quân y của tỉnh quản lý.

Đại tá Lê Hiền Tài bên kỷ vật 2 chiếc ba lô, đã theo ông suốt thời gian tham gia kháng chiến.

Và dâng trào những cảm xúc, đại tá Lê Hiền Tài nhớ về thời khắc cách đây hơn 50 năm, khi đó ông là Đội trưởng Đội phẫu thuật: “Những vật dụng như: chiếc đèn pin co, ca, dây nịt, rồi cái mùng… (chiến lợi phẩm thu được của địch) là những vật bất ly thân của chúng tôi. Bởi khi ấy, sau đợt 1 Mậu Thân, Đội phẫu thuật (Quân y tỉnh Cần Thơ) được lệnh chuyển địa bàn phục vụ cho Tiểu đoàn Tây Đô đánh qua Châu Thành B (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang ngày nay). Do yêu cầu thực tiễn của chiến trường, Quân khu điều Tiểu đoàn Tây Đô đi bất thường, trước thời gian quy định, Đội phẫu thuật phải tự lực hành quân. Anh em cùng nhau chia từng ngụm nước trong một chiếc bi đông, từng cục pin con ó để có ánh sáng đèn khi phẫu thuật, rồi tranh thủ nghỉ ngơi trong chiếc mùng cũ tránh muỗi… để có đầy đủ tinh thần chăm sóc cho đồng đội bị thương của mình”.

Đưa đôi tay mân mê hai chiếc ba lô đã cũ kỹ, bạc màu, đại tá Lê Hiền Tài nói thêm: “Còn lại hai chiếc ba lô này chắc hôm nào tôi cũng đem tặng cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ”. Năm 2005, ông Tài đã tặng những kỷ vật như mùng, đèn pin co, ca uống nước cho Bảo tàng tỉnh.

Lưu giữ một thời oanh liệt

Và trong hơn 500 hiện vật kháng chiến mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, có những kỷ vật mang theo nó câu chuyện đầy thú vị và xúc động. Bà Cao Thị Hải, Phó trưởng Phòng nghiệp vụ kiểm kê, bảo quản thuộc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Tôi mê công việc sưu tầm không phải vì tiền, cũng không phải để thỏa tính tò mò về những hiện vật thời chiến tranh, mà tôi muốn cùng các đồng nghiệp của mình tập hợp chúng lại lưu giữ trong bảo tàng để cho thế hệ sau được biết về hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc như thế nào thông qua những hiện vật. Việc lưu giữ này như một cách để tưởng nhớ những người đã hy sinh và cống hiến cho độc lập dân tộc”.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (bìa trái) bên kỷ vật thời chiến là chiếc dĩa hột xoài do chính tay cha mình làm từ mảnh vỡ của máy bay địch tại Bảo tàng tỉnh.

Chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ trong một lần đi làm hồ sơ lưu giữ kỷ vật được trao tặng, bà Hải nói: “Chuyến đi đó vừa là đến làm hồ sơ hiện vật, vừa là đến gia đình của cô bạn đồng nghiệp để nghe câu chuyện của ba bạn đó về một thời đấu tranh ngoan cường. Chính đồng nghiệp ấy đã động viên ba mình tặng chiếc dĩa hột xoài một kỷ vật đã gắn bó với ông khi tham gia kháng chiến từ Bắc vào Nam”. Chiếc dĩa hột xoài đẹp mắt được làm bằng mảnh vỡ máy bay do chính tay ông Nguyễn Văn Đắc, ở ấp Tầm vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, làm ra. Chiếc dĩa được làm vào năm 1967, khi ông đang nằm điều trị vết thương tại Bệnh viện Quân khu 4. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, con gái ông Đắc bộc bạch: “Là nhân viên của Bảo tàng tỉnh, tôi hiểu và trân quý những kỷ vật kháng chiến vô cùng. Gia đình tôi không giữ riêng cho mình mà muốn cùng mọi người bảo quản, giữ gìn để những kỷ vật thời chiến không bị thất lạc”.

Luôn giữ bên mình kỷ vật là chiếc thùng đựng đạn đại liên mà những năm kháng chiến chống Mỹ, mẹ cha ông đã dùng, ông Tần Mộng Em, con liệt sĩ Tần Văn Ly, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, chia sẻ: “Trước khi má tôi mất, bà đã dặn dò kỹ tôi phải giữ thùng thư này như một kỷ vật “vô giá”, như giữ truyền thống cách mạng của gia đình. Vì ngày xưa, nó được má tôi dùng cất giữ thư từ quan trọng của các cô chú bộ đội nhờ giữ giúp, chuyển đi giúp khi nào xong trận đánh thì về má tôi giao lại. Má nói, khi đó, giặc càn quét dữ lắm, có khi má phải để cái thùng xuống sông, khi vùi trong vũng sình, khi giấu ở bụi chuối, khi chôn dưới đất, lúc nằm ngoài bờ ruộng… nhưng khi mang lên tất cả giấy tờ bên trong đều không bị ướt hay bẩn”. Gần nửa thế kỷ qua, ông Tần Mộng Em dù tóc đã bạc màu, nhưng chiếc thùng đựng thư hay tấm ảnh gia đình, chiếc nồi nấu cơm, hay cái cối xay gạo mà gia đình ông dùng để nấu cơm, làm bánh nuôi chứa cán bộ… vẫn được ông nâng niu gìn giữ như “báu vật”.

Khi có thời gian rảnh rỗi là ông Tần Mộng Em, ở xã Phương Bình, lại đem những kỷ vật thời chiến tranh của cha mẹ để lại ra xem và luôn nhắc mình phải nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình.

Tạm chia tay với những câu chuyện xúc động về những kỷ vật thời chiến, ra về trong lòng chúng tôi dâng trào một sự xúc động và tự hỏi vì sao ngày xưa, chiến tranh ác liệt như thế mà các mẹ, các cô, các chú, các anh, các chị luôn một lòng kiên trung vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Có phải vì trong lòng họ luôn có một ánh sáng, ánh sáng rực rỡ với cờ đỏ sao vàng, ánh sáng của niềm tin cách mạng và theo đó là sự sắt son, một lòng vì nước, vì dân.

Một mùa xuân mới lại đến, mùa xuân an lành của đất trời, xuân 2019 với nhiều niềm tin vào sự phát triển vươn tầm cao của tỉnh nhà, bên những kỷ vật thời chiến, chúng tôi thầm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống đấu tranh oai hùng dựng nước và giữ nước! 

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>