Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV: Hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng

01/12/2017 | 08:17 GMT+7

Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm (từ ngày 23-10 đến 24-11-2017), Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, thông qua 6 luật và cho ý kiến 9 dự án luật. Các luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; phát triển lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới…

- Luật Quản lý nợ công được sửa đổi toàn diện, quy định phạm vi nợ công bảo đảm gắn với nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ, theo đó quy định nợ công không bao gồm các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước. Khẳng định nguyên tắc không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

- Luật Lâm nghiệp quy định về thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng; dịch vụ môi trường rừng; hoạt động tài chính trong lâm nghiệp; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Luật góp phần quản lý các hoạt động về lâm nghiệp hiệu quả hơn, phát huy những lợi thế về rừng theo hướng là ngành kinh tế - kỹ thuật, đồng thời, rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn, người dân có thể đầu tư vào trồng rừng, làm kinh tế, phát triển nghề rừng.

- Luật Thủy sản được sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới quan trọng về phương thức đồng quản lý, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh...

- Luật Quy hoạch được thông qua quy định về việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. Trong đó, quy định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn...

Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Gồm dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; dự án Luật Đo đạc và bản đồ...

Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết sau: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội... Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện và thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh, theo đó, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được lùi thời gian thực hiện, thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.

Kỳ họp thứ tư đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 105 phiếu chất vấn, với 194 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận không chỉ với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận làm rõ vấn đề. Tổng cộng đã có 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này nhiều nhất từ trước đến nay và Thủ tướng Chính phủ cũng dành nhiều thời gian nhất để trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Đây là một chủ đề rất thời sự, được dư luận và đông đảo cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Việc Quốc hội thảo luận và ra Nghị quyết về chuyên đề giám sát này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa các nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát và cho rằng, trong giai đoạn 2011-2016, việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ chậm được điều chỉnh. Tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả. Việc quản lý biên chế tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định...

Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội đề nghị việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính trong thời gian tới phải tiến hành đồng bộ, toàn diện cùng với đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, phải thực hiện tổng thể, có lộ trình cụ thể, bám sát quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết này.

Tại kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực, trách nhiệm tham gia 37 lượt phát biểu. Trong đó có 22 lượt ý kiến thảo luận ở tổ, đoàn; 11 lượt ý kiến thảo luận, tranh luận tại hội trường và chất vất Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao...

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>