Không thừa nhận và xử lý nghiêm các giao dịch “ngầm” về đất đai

06/06/2018 | 10:00 GMT+7

Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục phần trả lời trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Vấn đề được các đại biểu rất quan tâm trong phiên chất vấn sáng nay là việc xử lý chất thải và việc quản lý đất đai.

Hơn 70% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) băn khoăn về về việc xử lý chất thải rắn. Đại biểu cho biết, thực trạng xử lý nước thải của ta đang dưới 10%; riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt còn khoảng hơn 70% xử lý bằng công nghệ chôn lấp, đa số là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Đại biểu cho rằng trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho đây là trách nhiệm của các địa phương là chưa thỏa đáng; đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ ban hành chiến lược, quy hoạch và tổ chức thanh tra. Bộ Xây dựng được phân công quản lý các hạ tầng, trong đó có phê duyệt thiết kế các nhà máy xử lý rác, phân cấp một phần cho địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý. Song Bộ trưởng thừa nhận: Hiện đang có khoảng “trống” là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp. Thời gian qua, sự phối hợp giữa các Bộ không tốt; còn nếu để một Bộ làm sẽ không đủ năng lực xử lý, thời gian tới cần có sự phối hợp tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng cũng cho hay, rác thải Việt Nam khác với thế giới. Nhiều công nghệ xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến khi sang Việt Nam chạy 3-4 tháng không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vận hành xử lý rác. “Nhiều nhà máy rác đưa vào đầu tư với kinh phí lớn song thực tế không vận hành được, gây lãng phí. Chúng ta phải thống nhất khi ký hợp đồng với các công ty, ngoài thỏa thuận về giá thì doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật, môi trường; nếu không đáp ứng thì buộc phải đóng cửa số nhà máy này. Cùng với đó, thời gian qua, việc xử lý rác còn dàn trải, do đó, trong thời gian tới, cần thay đổi tư duy, rác phải được xử lý theo khu vực”, Bộ trưởng khẳng định.

Cần phân loại rác ngay tại nguồn

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về giải pháp biến rác thành một dạng tài nguyên, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Xét theo thực tế hiện nay thì chất thải rắn không thể chôn lấp được nữa, chúng ta cần phải có những giải pháp thay thế. Tuy nhiên khó khăn là do công nghệ hiện nay còn nhiều vấn đề nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới chúng ta phải xử lý rác thải ngay tại nguồn, tức là từ chính người dân. “Nếu chúng ta vận động được người dân phân loại rác ngay từ các hộ gia đình thì công tác thu gom, xử lý sẽ dễ dàng hơn, các công nghệ của những quốc gia tiến tiến khi vận hành ở Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho hay, chúng ta có thể phân loại xử lý rác theo vùng. Chẳng hạn ở nông thôn, chúng ta có thể hướng dẫn người dân tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Đối với các loại khác, chúng ta có thể tái chế hoặc xử lý làm phân vô cơ. "Đây là một ví dụ cho việc phân loại rác ngay từ nguồn. Bên cạnh đó, chúng ra cần phải tính toán thế nào để tư nhân có thể tham gia vào quá trình xử lý rác; đây là một nguồn lực rất lớn nhưng chúng ta chưa thu hút được", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Không thừa nhận giao dịch “ngầm” về đất đai

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nêu lên một nghịch lý diễn ra hiện nay. Đó là, dự án đầu tư và phát triển dù đã đền bù giá cao hơn vẫn phát sinh khiếu kiện; một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, đại gia Việt Nam “ra đời” từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình bất động sản; những vùng càng phát triển, giá đất càng tăng thì Chính phủ càng cần nhiều tiền để đền bù và người dân càng nảy sinh khiếu kiện.... Từ thực tế này, đại biểu đặt câu hỏi: Chính sách đất đai của chúng ta, đặc biệt ở những vùng kinh tế có liên quan gì đến tình trạng trên và chúng ta có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không?

Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là một câu hỏi khó, liên quan đến vấn đề chính sách đất đai trong định giá đất đai. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có 5 cơ quan định giá đất đai, nhưng vì tỷ giá đất đai rất biến động, chỉ cần chuyển từ trồng lúa sang quy hoạch đất phát triển bất động sản đã là hai vấn đề khác nhau.

Bộ trưởng khẳng định giải pháp tốt nhất là đấu giá đất đai, nhưng trong nhiều điều kiện chưa đấu giá được. Trong khi giá chưa dựa trên giá thị trường thì để giải quyết theo cơ chế thị trường, các trường hợp vi phạm, giao dịch “ngầm” thì không thừa nhận và bị xử lý; còn với trường hợp đất sốt lên, tăng lên thì phải xử lý theo hướng một người được mua bao nhiêu đất, nếu mua nhiều hơn thì phải tăng giá lên hoặc tính toán có lộ trình sử dụng, nếu không sử dụng thì tăng thuế đất đai lên… “Điều này phải sửa trong Luật Đất đai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo THẢO NGUYỄN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>