Hơn 7.000 học sinh, sinh viên bị kỷ luật vì đánh nhau trong 8 năm

21/05/2019 | 15:09 GMT+7

Số vụ bạo lực học đường 2010-2018 tăng 13 lần so với 10 năm trước, nhiều vụ nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến tâm lý học sinh, phụ huynh.

Sáng 20/5, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua nhân dân ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục như chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc của những người làm công tác giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, người dân cho rằng một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương còn bất cập. Việc "chạy theo thành tích" vẫn tồn tại; các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra. Theo thống kê của ngành công an, quý I/2019 toàn quốc có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu ở lứa tuổi THCS và THPT. Giai đoạn 2010-2018, có hơn 7.700 học sinh, sinh viên bị kỷ luật vì đánh nhau. So với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.

2 nữ sinh lớp 10 ở Tân Kỳ (Nghệ An) đánh bạn do mâu thuẫn tình cảm. Ảnh cắt từ clip

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng ghi nhận sự quan tâm của người dân đến vấn đề bạo lực học đường. Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị tại kỳ họp thứ 6, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường; sớm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục.

Tiếp thu kiến nghị đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa. Chính phủ có nghị định quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; quyết định phê duyệt Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020...

Ngoài ra, Bộ cũng tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vào trong các môn học chính khóa; đưa môn Giáo dục công dân thành môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia, tăng cường tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông... Bộ đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 1299 phê duyệt Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025.

"Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy, dù có nhiều biện pháp, hiệu quả chưa cao, bạo lực học đường tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, có dấu hiệu gia tăng kể cả số lượng và mức độ nghiêm trọng đối với từng vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh và phụ huynh", bà Hải nói.

Trưởng ban Dân nguyện dẫn chứng chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ bạo lực học đường nghiêm trọng đã xảy ra, như vụ nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị 5 bạn cùng lớp hành hung ngay tại lớp học; vụ nữ sinh ở Diễn Châu (Nghệ An) bị nhóm bạn bắt quỳ gối yêu cầu xin lỗi. "Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh và phụ huynh. Ban Dân nguyện đề nghị Bộ có kế hoạch cụ thể giải quyết thực trạng trên", bà Hải đề nghị.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong nhân dân. "Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có giải pháp hữu hiệu khắc phục các yếu kém đó; các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Hoàng Thùy/vnexpress.net

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>