Hiệu quả mô hình liên kết 3 dân tộc Kinh - Hoa – Khmer

14/10/2019 | 19:27 GMT+7

Trên các tuyến dân cư ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, bà con dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống đan xen nhau và rất đoàn kết.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xã Phiên (phải) thường xuyên tới nhà nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng hội viên.

Để gắn kết hơn trong lao động, sản xuất, sinh hoạt, từ năm 2016 đến nay, Khối Dân vận xã Xà Phiên thành lập mô hình liên kết 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer với 24 thành viên. Trong đó, nòng cốt là hội viên nông dân và hội viên phụ nữ ấp.

Bà Nguyễn Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xà Phiên, cho biết: “Tham gia mô hình, các chị đoàn kết hơn, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Hàng tháng, ngoài được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phong trào, cuộc vận động của địa phương, các chị còn cùng nhau góp vốn tương trợ giúp nhau làm kinh tế”.

“Khi có chủ trương thành lập mô hình, tôi vận động vợ cùng tham gia để hiểu thêm hoạt động công tác hội, cởi mở, đoàn kết hơn nữa trong các mối quan hệ với mọi người. Không chỉ có gia đình tôi mà trong tổ này cũng có nhiều gia đình cả vợ và chồng cùng tham gia”, ông Lưu Hoàng Minh, Tổ trưởng Mô hình liên kết 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, cho biết.

Bà Võ Thị Tuyết Mãnh (vợ ông Minh), hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 5, chia sẻ: “Tôi tham gia vào tổ này được hơn 2 năm. Hàng tháng, các thành viên không phân biệt tuổi tác, dân tộc được dịp gặp gỡ thăm hỏi chuyện gia đình, con cái, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau, điều này ai nấy đều thích”.

Khoảng nửa năm nay, vào dịp sinh hoạt định kỳ hàng tháng, mỗi thành viên hùn 100.000 đồng làm vốn tương trợ giúp nhau làm kinh tế. Hiện tổng nguồn vốn của tổ được hơn 30 triệu đồng, mỗi tháng giúp cho 1 thành viên mượn với số vốn trên 2 triệu đồng. Tính đến nay, tổ đã giúp cho 6 lượt thành viên mượn.

“Vào tổ sinh hoạt tôi thấy rất thiết thực, biết thêm được những phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Những gia đình cần vốn chăn nuôi nhỏ lẻ, tham gia vào tổ này rất có lợi”, bà Thị Quanh, hội viên phụ nữ ấp 5, phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Lưu Hoàng Minh, ngoài giúp vốn làm kinh tế, tới đây hàng tháng sẽ tổ chức hùn mỗi thành viên 10.000 đồng/tháng làm quỹ hoạt động cho tổ. Một khi những thành viên có vấn đề khó khăn trong cuộc sống, đau ốm thì sẽ sử dụng nguồn quỹ thăm hỏi, chia sẻ. Qua đó củng cố thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên, kêu gọi thêm hộ khác cùng gia nhập tổ.

Ngoài mô hình này, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xà Phiên thành lập được 3 tổ hùn vốn cất nhà trong hội viên ấp 5. Tùy theo điều kiện kinh tế mỗi tổ, định kỳ nửa năm, hàng quý, các chị đều góp vốn định kỳ để giúp nhau có vốn cất nhà, sửa nhà, mua sắm tiện nghi trong gia đình.

Qua hoạt động của các tổ đã giúp cho nhiều lượt hội viên khó khăn mượn vốn cất nhà, sửa chữa nhà. Từ đó, góp phần giúp các chị yên tâm chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái.

Tham gia vào các tổ hùn vốn cất nhà đã giúp gia đình bà Thị Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 5 có được căn nhà mới khang trang. “Năm rồi, tôi cất được nhà kiên cố trị giá gần 300 triệu đồng. Trong đó, mượn được 85 triệu vốn từ tổ hùn vốn cất nhà. Không chỉ riêng tôi mà nhiều thành viên khác trong tổ cũng có được nhà ở khang trang từ đồng vốn này”, bà Phượng chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Ngọc Giàu, do hội viên của Hội có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh hoạt chung nên Hội chú trọng việc tìm hiểu nhu cầu, sở thích của từng nhóm hội viên để xây dựng những mô hình thu hút, tập hợp hội viên phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên. Đồng thời, Hội ưu tiên chọn lựa, nhân rộng những mô hình hay nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên, từ đó các chị ngày càng quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>