Hậu Giang: Hoạt động hiệu lực, hiệu quả khi tinh gọn bộ máy

25/10/2018 | 13:57 GMT+7

Đã có người ngán dội vì khi nghe đến chuyện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy rồi ai làm ? Với số cán bộ, công chức như vầy mà có lúc công việc… ngập đầu, phải chăng đó là những quy định chưa phù hợp ? Nhưng trên thực tế, Hậu Giang đã giảm trên 3.000 công chức, chức danh mà bộ máy vẫn hoạt động trơn tru và sẽ còn giảm nữa.

Hậu Giang quyết tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.  Ảnh. T.Sơn

Theo đó, thực hiện Nghị định số 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến nay, tỉnh tinh giản 188 trường hợp; đầu năm 2018 đến nay, tỉnh còn mạnh tay giảm 2.923 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (theo Nghị quyết số 01 và 02 HĐND tỉnh).

Một con số quá ấn tượng và càng ấn tượng hơn khi chất lượng công việc ở những nơi giảm người không thụt lùi.

Trong khi đó, chấp hành nghị quyết của Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết 18), đến nay, Hậu Giang giảm nhiều đầu mối nhưng công việc vẫn không ách tắc.

Điều này đã chuyển tải cho chúng ta thông điệp: Tinh gọn bộ máy là yêu cầu có tính khả thi cao.

 

Chuyện ở cơ sở

Thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh Quy định chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở ấp, khu vực, anh Phạm Văn Điền, Bí thư Chi đoàn ấp Khánh Hội B, xã Phú An, huyện Châu Thành, được phân công phụ trách thêm nhiệm vụ Văn hóa - Lao động - Bảo trợ xã hội - Giảm nghèo và Trẻ em ở ấp.

Ngày nhận nhiệm vụ, anh Điền vừa mừng, vừa lo. Mừng vì tổ chức tin tưởng, lo vì quá nhiều việc. Song với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình cống hiến sức trẻ cho quê hương và luôn đặt lợi ích Nhân dân, cộng đồng lên trên mà anh Điền đã làm được.

“Từ ngày đảm nhận thêm công việc, thời gian dành cho hoạt động ở cơ sở nhiều hơn. Tôi không ngại khó, điều quan trọng là phải chủ động sắp xếp việc gia đình và nhiệm vụ được phân công thật sự hợp lý”, anh Điền chia sẻ.

Nhờ biết gắn kết, lồng ghép xử lý việc công nên anh Điền còn chăm sóc hiệu quả 10 công mãng cầu xiêm đang cho trái. Mô hình này cho anh thu lời hàng trăm triệu đồng/năm.

Còn Bí thư kiêm Trưởng ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Luông tâm sự, tuy phải cùng lúc gánh vác nhiều việc nhưng nhờ chủ động, tự quyết từ một đầu mối nên giúp quá trình giải quyết những vấn đề ở ấp được nhanh gọn, hiệu quả công việc tăng lên rõ.

Ông Luông cho rằng trước đây, khi triển khai nhiệm vụ thì giữa bí thư và trưởng ấp đôi lúc không đồng thuận. Nhưng hiện bí thư kiêm trưởng ấp trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chi bộ ra nghị quyết và tổ chức thực hiện thì trôi chảy, thuận lợi hơn.

“Bí thư kiêm trưởng ấp phải có tầm và uy tín với dân. Mặt khác, đội ngũ cấp ủy phải đoàn kết, nhất trí cao và có sự phối hợp nhịp nhàng, nếu không trách nhiệm sẽ rất nặng nề trên vai một người”, ông Luông nhấn mạnh.

Một vài điển hình chưa nói lên điều gì, nhưng chủ trương đã thực hiện xong trong toàn tỉnh, những bất ổn trong guồng máy không phát sinh cho thấy quyết sách này rất sát với thực tế.

Làm rõ hơn vấn đề, ông Trương Quốc Thương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, thừa nhận: “Sự linh hoạt, tinh thần quyết tâm chính trị cao kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, ổn định tư tưởng và đảm bảo chế độ hỗ trợ cho những trường hợp thuộc diện sắp xếp, tinh giản giúp địa phương từng bước tháo gỡ được bất cập. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện xong các nghị quyết của HĐND tỉnh”.

 

Đến cấp huyện

Rõ nhất ở cấp huyện hiện nay là chuyện chia đôi số cán bộ, công chức huyện Long Mỹ lớn để phục vụ 2 đơn vị hành chính huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ; và việc hợp nhất chức danh theo Nghị quyết 18.

Ông Lê Hữu Phước, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, kể: “Lúc đó, tỉnh có cam kết với Trung ương là không tăng thêm biên chế nên buộc phải chia đôi lực lượng để phục vụ cho cả 2 bộ máy của huyện và thị xã Long Mỹ sau khi đi vào hoạt động. Cụ thể như trên tổng số biên chế khối Đảng, đoàn thể của huyện Long Mỹ cũ là 70, huyện Long Mỹ mới được bố trí 37 cán bộ, công chức, số còn lại do Thị ủy Long Mỹ trực tiếp quản lý và phân công nhiệm vụ”.

Ban Tổ chức Huyện ủy Long Mỹ dù muốn tinh gọn bộ máy hay không cũng chỉ có 4 người thực hiện nhiệm vụ (chia tách huyện vào tháng 9-2015). Từ đó đến nay, đơn vị này phải căng sức ra làm công việc của 1 ban tổ chức cấp ủy cấp huyện theo biên chế chung đến 8.

Nhận thấy khó khăn, thách thức nên sự chủ động trong công việc luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu; phân công nhiệm vụ rõ ràng, khoa học; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Ông Nguyễn Quang Sang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy Long Mỹ, nói: “Giờ làm việc trong ngày chúng tôi sử dụng hết và rất hiệu quả; lãnh đạo ban cũng phải tổng hợp, viết báo cáo, làm tham mưu các văn bản cho cấp ủy… Có thể nói là đầu óc lúc nào cũng phải tư duy công việc”.

Và thật sự rất hiệu quả khi năm rồi, đơn vị được xếp hạng 3 trong thi đua cấp tỉnh giữa các ban tổ chức cấp ủy.

Không thể nói đơn vị này đi trước đón đầu trong thực hiện Nghị quyết 18, song phải chăng trong điều kiện bắt buộc thì năng suất công việc sẽ cao hơn?

Thực hiện Nghị quyết 18, thành phố Vị Thanh hợp nhất chức danh trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch UBMTTQ từ tháng 4. Lãnh đạo đơn vị này thông tin, khó khăn là có thật khi công việc rất nhiều, của MTTQ nhiều hơn ban dân vận nhưng vướng mắc thì không.

Ông Trần Quang Minh, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh, nói cái lợi là tham mưu cho Thành ủy có sự tập trung thay vì phải bàn bạc giữa 2 lãnh đạo đơn vị trước đây. Hơn nữa, lãnh đạo toàn khối như vậy có nhiều thuận lợi và thống nhất trong phong trào quần chúng.

Từ khi hợp nhất chức danh, đơn vị này ban hành quy chế làm việc mới với nội dung giao việc rõ ràng, kiểm soát thực hiện nhiệm vụ của các thành viên chặt chẽ hơn. “Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18 là khi bộ máy tinh gọn lại thì cán bộ phải phát huy vai trò thực hiện nhiệm vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, dẫn đến hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ông Trần Quang Minh đánh giá.

Trong khi đó, huyện Phụng Hiệp hợp nhất chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện từ tháng 8. Lãnh đạo đơn vị này cho biết cũng có những lợi thế.

Ông Mai Văn Tình, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, đúc kết: “Trách nhiệm nặng, công việc nhiều, sợ không hoàn thành nhiệm vụ nên tôi cố gắng nhiều hơn, từ đó cũng tìm ra phương pháp làm việc phù hợp, điều hành trôi chảy”.

Người dân (thứ 2, từ phải qua) cùng cán bộ huyện Long Mỹ trao đổi cách làm ăn.

Cần cán bộ có tâm với nhiệm vụ

Hệ thống lại từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, có thể thấy, để hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết có nội dung tác động, bổ sung, gắn chặt lẫn nhau nhằm đem đến kết quả toàn diện về tổ chức bộ máy. Các nghị quyết đó là về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Thực tiễn đòi hỏi bộ máy hệ thống chính trị phải tinh gọn, cán bộ phải nâng tầm, nâng chất hoạt động đã được đáp ứng kịp thời về mặt quyết sách trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, trong thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Một cán bộ từng nêu ý kiến rằng, nếu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam thực sự có tâm, có đức, đủ tầm và làm việc hết giờ Nhà nước quy định thì chỉ cần 3/4 (?).

Liên hệ quyết sách về xây dựng hệ thống chính trị phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở thực tiễn, phải chăng câu nói ấy có lý? Hay thuyết phục hơn, theo chỉ tiêu “pháp lệnh”, đến năm 2021, phải tinh giản biên chế tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước 367.790 người, phải chăng câu nói ấy càng có cơ sở hơn?

Tại Hậu Giang, hiệu quả công việc ở các đơn vị trên cho thấy, để số lượng, chất lượng công việc không có bước lùi so với trước khi tinh giản thì từng cán bộ phải chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng hết quỹ thời gian Nhà nước quy định cho chuyên môn, nghiệp vụ. Họ đã biết thích ứng, sớm gắn kết chức năng, nhiệm vụ khi đảm nhận nhiều việc để có những sáng tạo trong công việc, giảm hẳn đầu mối trung gian.

Hậu Giang chưa phải là đơn vị tiên phong trong công tác tinh giản bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng đó là những gì đáng trân trọng: Phải chăng chỉ cần ít người cho 1 tổ chức; phải chăng chỉ cần cán bộ biết hết việc chứ không hết giờ; hay cần cán bộ có tâm huyết với nhiệm vụ hơn là…?

Bộ máy ấp, cấp xã, cấp huyện ở tỉnh gọn nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ đó là thực tế và sẽ được tập trung hơn ở tỉnh trong thời gian tới đây một cách quyết liệt.

Anh Điền vì thấu hiểu trách nhiệm mà gánh vác nhiều trọng trách ở ấp mình; ông Luông nhận ra được để bộ máy ấp nhà hoạt động hiệu quả thì cán bộ phải có tâm, có tầm và đoàn kết; ở cấp huyện, mỗi vị cán bộ đã biết đào sâu suy nghĩ để linh hoạt, sáng tạo, kết nối từng mảng công việc với nhau, tránh ách tắc… Đó là khả năng, tiềm năng sức mạnh cống hiến cho quê hương, đất nước đã được khơi dậy mà các nghị quyết về cán bộ gần đây của Trung ương hướng đến. Và khi ấy, bộ máy hệ thống tinh gọn mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao!

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>