Giải "bài toán" bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương

10/05/2018 | 10:28 GMT+7

“Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện: Có nên không là người địa phương?” là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm trao đổi, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn tại phiên làm việc của ngày thứ hai Hội nghị Trung ương 7 khóa XII diễn ra sáng qua (8-5).

Từ “bàn cân” thực tiễn

Là đại biểu phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận, Trung tướng Trần Quang Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5, khẳng định: “Bố trí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không phải là người địa phương là chủ trương đúng đắn, hợp lý. Trên thực tế, Quân ủy Trung ương quán triệt sâu sắc tinh thần của Trung ương, lãnh đạo bố trí cán bộ chủ trì trong quân đội không phải người địa phương đạt nhiều kết quả tích cực”.

Bày tỏ sự nhất trí với nội dung dự thảo đề án, nhiều đại biểu cho rằng việc bố trí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không phải người địa phương mang rất nhiều thuận lợi cả trước mắt lẫn lâu dài. Trước hết, việc làm đó giúp khắc phục nạn chạy chức, chạy quyền, đẩy lùi các biểu hiện “cục bộ địa phương”, gia đình-dòng họ quan chức. Phân tích sâu về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến cho rằng: Người địa phương thường có mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, đồng nghiệp… nên trong giải quyết công việc dễ bị rơi vào tình trạng nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm kỷ luật. Trên thực tế, rất nhiều nơi, cán bộ cấp ủy mắc khuyết điểm bởi những nguyên nhân như vậy.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đồng tình với nhận định đó và xem đây là giải pháp hữu hiệu để kiểm soát quyền lực. Đặt lên bàn cân hai phương án nhân sự cho vị trí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, từ trải nghiệm công tác, nhiều đại biểu cho rằng: Việc đi làm bí thư của huyện khác, tỉnh khác "thuận hơn" so với vị trí này tại địa phương mình. Các đại biểu chia sẻ, những sự thiếu hụt kiến thức về tình hình địa bàn, phong tục, văn hóa địa phương... không quá khó để bản thân có thể tự bổ sung, nhưng giải quyết mối quan hệ đối với người thân, tránh những nguy cơ dẫn đến khuyết điểm trong giải quyết công việc có liên quan thì quả khó hơn gấp nhiều lần. Đồng chí Nguyễn Văn Thể dẫn chứng: "Tôi từng làm bí thư tỉnh ủy, huyện ủy ở địa phương mình và cả ở địa phương khác. Cảm nhận là khi làm bí thư ở một địa phương khác tạo cho mình tâm lý thoải mái hơn, làm việc thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, tôi cho rằng chủ trương của Trung ương là hoàn toàn đúng đắn".

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII.

Ở góc nhìn khác, một số ý kiến cho rằng, khi bố trí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không phải là người địa phương, bản thân cán bộ đó gặp không ít khó khăn, như việc nắm địa bàn, nắm bắt lòng dân, quy tụ sức dân... Hơn nữa, ở những địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số thì bí thư huyện ủy, tỉnh ủy là người địa phương có lợi thế hơn, họ dễ thuyết phục, vận động và trở thành ngọn cờ phong trào, hạt nhân đoàn kết.

Một số ý kiến trăn trở, chức danh bí thư cấp ủy không phải cứ “bố trí” là được, mà phải thông qua bầu cử. Trong khi nếu cán bộ không là người địa phương thì liệu có đủ tín nhiệm để được bầu vào vị trí đó? Hơn nữa, tập thể Đảng bộ địa phương cũng chưa thể nắm bắt “một sớm một chiều” về năng lực, phẩm chất, uy tín cán bộ mới đến... Do đó, các đại biểu nêu vấn đề: Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì có phải bầu không, bầu khi nào, bầu như thế nào?... Đây cũng là lý do chính tạo ra tâm lý e ngại, lo lắng cho cán bộ không là người địa phương trong khi nhận nhiệm vụ đến các địa phương khác.

Với tinh thần thảo luận thẳng thắn tính hai mặt của vấn đề, nhưng cuối cùng, các đại biểu Ủy viên Trung ương đều đi đến nhất trí cao với phương án mà dự thảo đề án đề ra. Thực tế cũng cho thấy, ở những nơi bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không là người địa phương thì nơi ấy ít xảy ra tiêu cực hơn, kết quả hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; cán bộ cũng có nhiều thời gian, công sức dành cho công việc chứ không bị chi phối bởi các mối quan hệ ràng buộc. Hơn nữa, phần việc này đã được thực hiện từ lâu theo chủ trương “đẩy mạnh việc bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương” theo Kết luận số 37-KL/TW của Trung ương (cách đây 10 năm) và Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị nên có cơ sở thực tiễn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai chủ trương này.

Vấn đề nòng cốt là chọn đúng cán bộ

Dù tranh luận khá đa chiều về việc lựa chọn phương án nhân sự bố trí vào chức danh bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, nhưng các ý kiến lại gặp nhau ở điểm chung: Dù cán bộ ấy là ai, ở đâu thì cũng phải là những cán bộ tốt, có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, xứng đáng với cương vị công tác mà Đảng, tập thể và nhân dân giao phó. Theo đó, các đồng chí: Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị... nêu rõ yêu cầu: Muốn chọn được cán bộ tốt, xứng đáng với cương vị bí thư tỉnh ủy, huyện ủy thì trước hết phải đánh giá đúng cán bộ. Vì lẽ đó, đánh giá cán bộ là “chìa khóa” để tháo gỡ vấn đề lựa chọn nhân sự.

Từ kinh nghiệm công tác, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, nêu quan điểm: Phải đánh giá cán bộ thông qua hiệu quả hoàn thành công việc và giá trị đóng góp mà cán bộ tạo ra cho tập thể và xã hội. Đánh giá cán bộ phải đặt trong mối quan hệ giữa năng lực cá nhân và tính chất yêu cầu công việc được giao. Càng giao việc khó cùng lúc cho nhiều người thì càng dễ đánh giá cán bộ và lựa chọn ra cán bộ tốt nhất, tìm ra người tài. Đồng thời, đánh giá cán bộ qua công việc phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, giúp cán bộ can đảm chọn, làm việc khó. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất: “Tốt nhất trong đánh giá cán bộ là cấp nào giao việc thì cấp đó đánh giá. Ở cấp N thì nên chỉ đánh giá cán bộ cấp N-1, không nên với tới cấp N-2 vì thực chất làm sao anh hiểu cán bộ ở đó bằng lãnh đạo, quản lý cấp N-1. Như vậy, đánh giá cán bộ cần sự phân cấp rất rõ, rất mạnh”.

Quan điểm đó được Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng bày tỏ sự đồng thuận cao. Đồng chí cho rằng, “người nào giao việc, người đó đánh giá cán bộ” được Thành ủy Hà Nội vận dụng sáng tạo trong thời gian qua và đạt nhiều kết quả thiết thực, khả quan.

Nhiều đại biểu nhất trí, việc đánh giá cán bộ là phải xem xét trong suốt quá trình, nhưng không phải theo kiểu liệt kê quá trình công tác. Ở mỗi thời điểm đánh giá cần quan tâm và trả lời được câu hỏi: Ở vị trí nào thì ghi thành tích gì? Có ý kiến đề nghị: “Cần đổi mới cách lưu lại hồ sơ cán bộ là những gạch đầu dòng về quá trình công tác như hiện nay, vì điều đó dễ dẫn đến tình trạng chọn nhầm cán bộ trung bình, hoặc kém”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc đánh giá cán bộ xưa nay vẫn được xem là việc khó, là khâu yếu nhất và chính nội bộ chúng ta cứ loay hoay đi tìm phương cách hữu hiệu, nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Nên chăng, việc khó như vậy phải dựa vào dân? Đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định: “Cán bộ làm tốt hay không tốt, xứng đáng hay không xứng đáng, tha hóa hay không tha hóa, có biểu hiện gì là dân biết hết... Cho nên để dân nói, dân mạnh dạn, tích cực đánh giá thì cần phải hoàn thiện cơ chế cho công việc đó được thuận lợi nhất; thậm chí là được cổ vũ, khuyến khích, khen thưởng”.

Còn nhiều việc phải làm

Cho rằng chủ trương là đúng đắn, phù hợp, nhưng một số đại biểu vẫn ít nhiều băn khoăn trước mục tiêu dự thảo đề án đặt ra là đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Có ý kiến đề xuất nên tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ để bảo đảm tính khả thi của lộ trình thực hiện.

Các đồng chí Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội; Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng... và một số ý kiến khác nhất trí với mục tiêu đặt ra, nhưng phân tích sâu nhiều nội dung, phần việc cần được giải quyết trong thời gian tới. Đó là việc bổ sung, hoàn thiện quy hoạch cho thật sát với phương án nhân sự, bảo đảm việc bố trí cán bộ không phải người địa phương. Phần việc này phải được tiến hành ngay từ bây giờ với tinh thần quyết liệt ở tất cả các cấp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc luân chuyển ngang cán bộ để bảo đảm mục tiêu sớm hoàn thành. Các đại biểu thẳng thắn đề xuất với Trung ương: Cùng với việc thực hiện bố trí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không là người địa phương thì chủ trương này cũng cần được áp dụng với chủ tịch UBND tỉnh và huyện. Có như vậy, hiệu quả chủ trương mới được nhất quán, đồng bộ, tính khả thi cao.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đề xuất cần cụ thể hóa lộ trình thực hiện mục tiêu chung bằng các bước cụ thể; đồng thời tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, yếu tố vùng, miền, yếu tố văn hóa... Việc bố trí cán bộ phải có sự tương đồng, tránh bố trí cán bộ từ vùng biển lên miền núi và ngược lại. Đồng thời cần cơ chế, chính sách rõ ràng, vừa bắt buộc, vừa khuyến khích đối với cán bộ luân chuyển để họ yên tâm công tác. Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến cơ chế kiểm soát và hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm giúp cán bộ khắc phục tâm lý sợ nhận nhiệm vụ ở những tỉnh, huyện khó khăn về kinh tế-xã hội, địa bàn xa xôi, xa gia đình... Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bên cạnh cơ chế kiểm soát, cần có cơ chế khích lệ và động viên cán bộ; có chế độ chính sách về nhà ở, chăm lo thích đáng hậu phương cán bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu khẳng định: "Chủ trương là đúng đắn, nhưng ngay từ bây giờ phải sớm tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, để khi triển khai phải nhất loạt thực hiện được ngay; tránh các biểu hiện dao động tư tưởng, đùn đẩy vị trí công tác, chạy chọt vào những nơi công tác tốt; hoặc xin được ở lại địa phương...".

Theo NGÔ THANH/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>