Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Ý nghĩa đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng hiện nay ở Hậu Giang

27/04/2018 | 09:07 GMT+7

Cách đây 43 năm, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí và sáng tạo của quân và dân ta; với sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; với sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân; quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại - chiến thắng 30-4-1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là bước phát triển ở quy mô cao nhất của toàn bộ tiến trình cách mạng ở miền Nam và của cuộc kháng chiến. Sẽ không thể thấu hiểu sâu sắc nguyên nhân thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không đặt trong tổng thể quá trình Đảng hoạch định đường lối, lãnh đạo và chỉ đạo ở từng chặng đường cụ thể giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển và thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở Hậu Giang là một bộ phận, một phần trong thắng lợi vĩ đại chung đó của dân tộc; là thắng lợi lớn nhất, vĩ đại nhất của quân và dân Hậu Giang trong cuộc chiến tranh yêu nước, chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, dân - quân tỉnh Cần Thơ nói chung và dân - quân Hậu Giang nói riêng. Hơn 20 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, với truyền thống kiên cường, bất khuất vượt qua mọi gian khổ hy sinh, Đảng bộ, quân, dân tỉnh Hậu Giang tự hào đã góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân.

Trong những năm qua, mặc dù là một tỉnh mới thành lập được gần 15 năm nhưng Hậu Giang hết sức chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, trong đó đặc biệt chú ý đến ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, góp phần củng cố trận địa tư tưởng, tạo ra động lực chính trị - tinh thần bên trong - yếu tố quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương.

Trong lãnh đạo, điều hành, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang luôn phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng hăng hái thi đua lao động, sản xuất; nhờ vậy mà gần 15 năm qua kinh tế - xã hội tỉnh nhà luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất chất lượng hiệu quả được nâng lên; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ có bước chuyển biến rõ nét, các khu, cụm công nghiệp hình thành và phát triển. Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, tạo ra diện mạo mới để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Việc xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều tiến bộ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố tăng cường.

Đạt được những kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Điều đó thể hiện:

Thứ nhất, Hậu Giang luôn coi trọng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin vào tương lai và tiền đồ của đất nước. Bởi lẽ, ý thức về cội nguồn, quá khứ hào hùng của dân tộc luôn là một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi con người Việt Nam. Giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm góp phần tô thắm, nhân lên những trang sử hào hùng của dân tộc, những chiến công to lớn của quân và dân cả nước, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào là công dân đất Việt, xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong giáo dục phải sáng tạo về phương pháp, trên cơ sở những truyền thống, sự kiện lịch sử cần đi sâu nghiên cứu, giải quyết những vấn đề thực tiễn của đơn vị, của quân đội, tạo cho cán bộ, chiến sĩ ý thức tự lực, tự cường, chủ động, nhanh nhạy trước những diễn biến mới của tình hình, vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống. Kiên quyết phê phán thái độ thờ ơ với vận mệnh của đất nước, chống lại những quan điểm thù địch, sai trái nhằm bôi đen, bóp méo lịch sử, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, ý nghĩa chiến thắng của dân tộc, chiến công của quân đội ta.

Thứ hai, không ngừng giáo dục nâng cao nhận thức, củng cố lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước thời đại Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân nhận thức sâu sắc rằng, những thành quả chúng ta có được hôm nay, Đảng, Nhân dân ta đã phải đổi bằng biết bao xương máu mới giành được; độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, từ đó mà nâng cao ý thức trách nhiệm cho mọi người quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân.

Thứ ba, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản, phát huy bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân. Tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước lên đỉnh cao mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vươn lên làm giàu chính đáng và đánh thắng kẻ thù xâm lược với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi chủ thể, góp phần hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ tư, công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung, trong đó giáo dục về ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 được tổ chức bằng nhiều hình thức hết sức phong phú, đa dang, như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm của các đoàn thể, các buổi sinh hoạt dưới cờ trong các trường học (đặc biệt đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình học của các bậc học phổ thông). Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực tổ chức các hội thi tìm hiểu lịch sử truyền thống của Đảng bộ mình, trong đó đặc biệt chú ý về ý nghĩa của chiến thắng 30-4-1975; qua đó, đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và quần chúng Nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng 30-4-1975.

Để tiếp tục phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng và công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung, thiết nghĩ cần:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Công tác tư tưởng, lý luận là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức. Công tác tư tưởng, lý luận phải đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới phải chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.

Ba là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên mà trước hết là của cấp ủy các cấp và đồng chí bí thư cấp ủy. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia, đóng góp của Nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Phải phát huy dân chủ, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo của toàn Đảng, toàn xã hội, tạo bước phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng.

Bốn là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng là công tác đối với con người. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học. Kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Phải gắn bó mật thiết và phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao đời sống và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Hiện nay, đất nước ta nói chung và Hậu Giang nói riêng đang ở trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn Đảng bộ cần ra sức phấn đấu, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tích cực lao động, học tập và công tác với chất lượng, hiệu quả cao nhất để góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

 

NGUYỄN HỮU TÌNH

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>