Chung sức cùng chăm lo cho người có công

03/01/2019 | 08:58 GMT+7

Nhằm thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ đó, từng bước đời sống vật chất, tinh thần các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công ngày càng được nâng cao.

Những căn nhà tình nghĩa khang trang, đã giúp nhiều gia đình người có công cảm thấy ấm lòng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Mái ấm nghĩa tình

Ở cái tuổi 76, nhưng mẹ con bà Phạm Thị Khéo, ở ấp Khánh Hội A, xã Phú An, huyện Châu Thành, mới thực hiện được ước mơ có ngôi nhà kiên cố, khang trang. Ở độ tuổi thanh xuân, bà Khéo đã một mình gánh vác thay người đàn ông trụ cột gia đình nuôi dạy các con, để chồng yên tâm lên đường đấu tranh bảo vệ quê hương. Không những vậy, trong những ngày chiến tranh ác liệt bà còn tình nguyện nuôi chứa cán bộ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa còn thơm mùi sơn mới, bà Khéo vừa vui mừng, vừa xúc động nói: “Người trụ cột gia đình mất đi, nhà lại không có ruộng đất gì nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Vì vậy, mấy mẹ con tôi trước giờ phải ở đậu đất bà con trong căn nhà ọp ẹp, thiếu trước hụt sau, ước mơ có được ngôi nhà kiên cố nào dám nghĩ tới. Rất mừng, khi thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, địa phương mới vận động hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng, mấy đứa con tôi cũng phụ thêm ít để xây dựng nhà mới”. Được biết, ngôi nhà của bà Khéo là một trong hai căn nhà tình nghĩa được địa phương vận động từ nguồn xã hội hóa, để hỗ trợ gia đình chính sách, người có công xây dựng nhà ở trong năm 2018.

Không riêng gì bà Khéo, mà nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ khác cũng nhận được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, từng bước ổn định cuộc sống. Phấn khởi khi được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà mới, ông Lê Văn Lòng, con của liệt sĩ Lê Văn Tươi, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tâm sự: “Có nhà mới khang trang gia đình tôi mừng lắm, nhờ vậy cũng có chỗ hương khói cho cha tôi đàng hoàng hơn. Không chỉ hỗ trợ nhà ở, địa phương cũng xem xét cho gia đình vay vốn để chăn nuôi nữa, qua đây thu nhập cũng ngày càng khấm khá hơn”.

Thực hiện theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và sửa chữa được 3.822 căn nhà cho người có công. Cụ thể, xây mới 1.625 căn, sửa chữa 2.197 căn. Bên cạnh đó, trong năm các địa phương cũng chủ động vận động xã hội hóa xây dựng và sửa chữa được 113 căn nhà tình nghĩa, với số tiền hơn 4,4 tỉ đồng, trong đó xây mới 78 căn và sửa chữa 35 căn.

Tri ân bằng những việc làm thiết thực

 Ngoài quan tâm chăm lo nhà ở, thời gian qua, công tác giải quyết hồ sơ cho người có công cũng được tập trung quyết liệt, để từng bước góp phần thực hiện tốt chính sách quan tâm, ưu đãi cho người có công. Theo đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người có công hiện đã được chuẩn hóa theo 3 cấp (xã - huyện - tỉnh), với thời gian quy định cụ thể.

Là người trực tiếp được địa phương hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người có công, ông Nguyễn Văn Đấu, ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Vừa rồi, tôi có đi làm thủ tục xin chuyển hưởng chế độ cho 2 liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng từ Kiên Giang về Hậu Giang. Tuy mới lần đầu đi làm hồ sơ cho người có công, nhưng tôi thấy địa phương làm rất nhanh chóng, nhiệt tình hỗ trợ người dân, chỉ hơn một tháng đã làm xong rồi”.

Tính từ đầu năm đến nay, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tiếp nhận mới được 4.419 hồ sơ, trong đó đã xem xét giải quyết 4.245 hồ sơ các loại, đảm bảo kịp thời đúng thời gian quy định. Mặt khác, ngành còn tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến lĩnh vực người có công. Triển khai thực hiện Đề án số hóa hồ sơ người có công (giai đoạn 2) năm 2018 với 8.464 hồ sơ.

Theo bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, để tiếp tục quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng thời gian tới, ngành sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực người có công để tư vấn trực tuyến bằng hình thức Hỏi - Đáp trên trang Thông tin điện tử của Sở. Ngoài ra, sẽ xem xét, giải quyết các loại hồ sơ người có công bảo đảm chính xác, đầy đủ và minh bạch về chế độ thụ hưởng. Cũng như thực hiện dứt điểm công tác số hóa hồ sơ người có công (giai đoạn 3) với trên 53.000 hồ sơ, nhằm góp phần giải quyết hồ sơ được nhanh chóng, rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ. Song song đó, cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa chăm sóc người có công với cách mạng và chăm sóc tốt nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh…

Toàn tỉnh hiện có hơn 36.000 người có công, với khoảng 9.000 người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Trong đó, có 133 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, khoảng 5.000 thương binh và 80 bệnh binh.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>