Câu chuyện nhỏ về đền đáp công lao trời biển của Bác

18/05/2021 | 19:38 GMT+7

Đã hơn 30 năm, mỗi năm 4-5 lần chung tay làm mâm cúng Bác ở Đền thờ Bác Hồ, năm nay dù tóc trắng da mòi nhưng các bà Trần Thị Đẹp, Nguyễn Thị Ngãi, Nguyễn Thị Lan, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, vẫn hăng hái, nhiệt thành bàn tính chuyện dâng lên Bác món quà nhân ngày sinh nhật...

Câu chuyện của các bà còn là của nhiều năm trước lúc ngày đêm hương khói, coi sóc nơi thờ tự Người như nghĩa vụ của con cháu với ông bà.

Vệ sinh ở Đền thờ Bác chuẩn bị sinh nhật Người.

Ấm áp như gia đình

Bà Đẹp kể, khi là hội viên phụ nữ xã Lương Tâm tham gia tiếp tế trong kháng chiến chống Mỹ (sau ngày Bác mất) đã nghe nói cán bộ xã gìn giữ di ảnh Bác và lư hương ở đơn vị rất kỹ lưỡng. Giặc đánh phá rất ác liệt, hủy diệt màu xanh cây cối nhưng hễ đi đâu là cán bộ mang ảnh Bác theo. Có đến 5-7 lần di chuyển nhưng di ảnh Bác vẫn là ưu tiên số 1 và được đặt ở vị trí trang trọng nhất.

Bà Đẹp (bìa phải), bà Ngãi (bìa trái) và bà Lan vệ sinh bàn thờ Bác chuẩn bị sinh nhật Người.  

Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, đến kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhật Người (năm 1990), chẳng ai bảo ai, như một nghĩa vụ thiêng liêng phải làm, bà Đẹp, bà Ngãi, bà Lan cùng nhiều người ở xã chung tay làm sinh nhật Bác. Năm ấy, cả nước làm lớn lắm và tỉnh Cần Thơ, huyện Long Mỹ, xã Lương Tâm cũng dâng lên Người những phần quà hiếu thảo.

Ngồi trong ngôi nhà cũ, cột cây, mái tôn, nền gạch tàu - những thứ trước đây là Đền thờ Bác được dời về bên hong Đền kiên cố, các bà lại nhớ nhiều về chuyện xưa. “Khoảng năm 1990 là tụi tui coi sóc Đền thờ Bác Hồ rồi. Hồi đó như vầy nè, lộ đất, xung quanh đất, cỏ mọc nhiều nên hễ đến lễ, giỗ, tết là chị em mần cỏ, quét dọn trong ngoài Đền thật sạch để Bác đón con cháu về thăm”, bà Đẹp chỉ xung quanh nhà cũ, kể lại.

Bà Lan góp lời: “Đền thờ Bác khi ấy cặp mé kinh, không có khuôn viên như bây giờ, không xây bít mà chỉ có tường sau và bàn thờ, ảnh Bác được đặt tựa vào đó. Hễ thấy cỏ bò vô là chị em tui mần sạch sẽ”.

Nói về chuyện cúng Người những ngày quan trọng, bà Ngãi là đầu bếp trưởng từ mấy chục năm nay, bà nhớ rõ dịp nào thì cúng gì, dịp nào cúng lớn cúng nhỏ cho Bác. “Sinh nhật Bác năm rồi và năm nay cúng nhỏ do dịch Covid-19, còn mấy năm trước lớn, có khi 20-30 mâm, con cháu tề tựu về đây đông lắm. Rồi còn có con cháu tỉnh khác về cúng riêng Người, ấm áp như gia đình”, bà Ngãi kể.

Chuyện chuẩn bị mâm cỗ dâng Bác cũng là cả một câu chuyện khi gần đến ngày lễ, giỗ là có người ở xóm, ở chợ hỏi các bà năm nay cúng như thế nào rồi gửi tiền để các bà mua đồ, có người mang đến nếp, bột, dừa khô, củi… Những năm trước, khi Đền chưa hoàn thiện, việc nấu nướng cực trần ai. Bà Ngãi cho biết thêm: “Hồi đó nấu kế ngôi đền chính, toàn nấu củi, gặp ngay mưa dầm chị em tui phải căng cao su che chắn, vậy mà ai cũng vui, cũng hớn hở làm bằng mọi cách để nồi bánh mau chín, nồi súp mau ngọt ngon để cúng Bác”.

Kỷ niệm khó quên với vị bếp trưởng và chị em trong lần nấu nướng cỡ chục năm về trước là nấu khi mưa gió, lúc ấy, tấm cao su che trên đầu vì không thoát nước kịp đã đứt dây, đổ ập xuống làm chị em ướt loi ngoi. Vậy mà không ai lo cho mình trước, chỉ cố tìm cách che chắn lại mấy nồi bánh, nồi thịt hầm, thịt kho, sau đó mới che lại toàn bộ khuôn viên nấu nướng của mình.

Sau lần đó, bếp Đền thờ Bác được xây cất khang trang…

Dâng lên Người những đặc sản quê hương

Lễ vật dâng lên Bác ngày sinh nhật, giỗ, lễ khá nhiều, nhưng theo bà Đẹp, lần nào cũng có vịt quay, năm 1990 cũng có món này. Rồi bà kể tiếp: “Mấy năm gần đây, được trên cấp tiền nên yêu cầu làm mấy mâm, món gì thì bà và chị em sẽ làm nhưng không thiếu bánh tét, bánh ít, xôi, các món hầm, xào, mặn; có cả đặc sản xứ mình là mắm chưng và đọt choại. Rồi hễ thấy vú sữa là chị em tôi dứt khoát phải mua cúng Bác”.

Cái khác giữa giỗ và sinh nhật Người theo các bà là sinh nhật khi có yêu cầu thì làm nhiều mâm mặn, nếu không thì các bà cúng Bác trái cây, bánh tét, xôi. Hai năm nay, dịp sinh nhật Người đều được tổ chức gọn nhưng kính cẩn, trang trọng; đặc biệt là bánh kem sinh nhật có đầy đủ tên, tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh… 

Hôm trao đổi, bà Ngãi tiết lộ đã chuẩn bị hết rồi, nếu chính quyền không cho tập trung đông người tại Đền, bà cũng sẽ có sẵn lễ vật đến dâng lên Bác. Còn bà Lan thì kể rằng: “Mỗi năm, các lần lễ tết quan trọng, hễ tui nấu cúng cha mẹ mình sao là cúng Bác y vậy”.

Bà Ngãi, bà Lan, bà Đẹp xem Bác như ông bà của mình nên hết lòng phụng sự, các bà cho biết khi cúng luôn thầm vái Bác tiếp tục giúp cho quốc thái dân an, đất nước phát triển và con cháu Người luôn khỏe mạnh…

 Nối gót các mẹ mà bà Đẹp có đến 3 con dâu hễ đến lễ, giỗ đều chung tay ở đây nấu nướng, bưng bê, dọn dẹp; con trai, con dâu của bà Lan cũng vậy; riêng bà Ngãi có người em cũng sát cánh với bà mỗi khi tới đợt. 

Hỏi vì sao các bà không ngại khó khăn, cực khổ hơn 30 năm qua mà hễ tới ngày quan trọng của Bác là lại chung sức làm công việc không lương, bà Đẹp, bà Lan và bà Ngãi thống nhất cho rằng: “Công lao trời biển của Bác chúng tôi đền đáp cả đời này còn chưa dứt nói chi mấy chuyện đó; chúng tôi tâm niệm làm đến đi hết nổi thì thôi, mà đi hết nổi thì con cháu nó cũng làm thay mình để tiếp tục báo đáp ơn sâu, nghĩa nặng của Người”…

Bà Trần Thị Đẹp nói: “Được nhận tiền từ trên cấp xuống hay của bà con xóm giềng để đi chợ mua đồ cúng Bác, chị em chúng tôi không bao giờ xén bớt đồng nào, đó là cách mình học tập và làm theo gương Bác không tham lam của công”.

 

Bà Nguyễn Thị Ngãi kể: “Cây vú sữa nhà tôi năm nào cũng cho trái xum xuê, cứ đợt trái chín đầu tiên là tôi lựa, hái mang vô cúng Bác những trái bự, đẹp nhất”.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>