Cách mạng Tháng Tám với bài học ý Đảng - lòng dân

01/09/2017 | 08:17 GMT+7

Chính nhờ ý Đảng hợp với lòng dân đã giúp Đảng chiếm được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân để tạo nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất”, đập tan xiềng xích nô lệ, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện là điểm nhấn nổi bật trong sự phát triển của Hậu Giang hơn 13 năm qua.

Kể từ lúc được thành lập cho đến cuộc Cách mạng Tháng Tám chỉ có hơn 15 năm, nhưng Đảng đã chiếm trọn niềm tin của nhân dân. Vì sao nhân dân một lòng theo Đảng? Bởi từ ngày có Đảng, Đảng ta và Bác Hồ đặc biệt đánh giá cao vị trí, vai trò của nhân dân, quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “Nước lấy dân làm gốc”. Người còn khẳng định: “Việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh”, “Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có Đảng thì lấy ai dẫn đường?...”.

Thực tế đã chứng minh, từ cuộc Cách mạng Tháng Tám tới nay, tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã được Đảng ta thực hiện nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả là nhân dân vẫn một lòng nghe theo Đảng lãnh đạo, góp công, góp sức cùng Đảng vượt qua biết bao “sóng to, gió lớn” của thời cuộc để xây dựng nên một quốc gia độc lập, tự do và phát triển toàn diện như ngày nay.

Ở Hậu Giang, sau hơn 13 năm thành lập, tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã trở thành “kim chỉ nam” trong mọi hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền. Từ lúc còn làm Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy như hiện nay, ông Trần Công Chánh không ít lần tâm sự rằng: Khi tỉnh mới thành lập, đời sống của người dân lúc ấy hết sức khó khăn. Cho nên trong suy nghĩ của lãnh đạo tỉnh lúc nào cũng trăn trở là làm sao để đời sống người dân được nâng lên và chăm lo tốt hơn cho gia đình người có công với cách mạng…

Những trăn trở đó đã được cả hệ thống chính trị biến thành hành động, việc làm cụ thể giúp tỉnh mới Hậu Giang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, còn người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích từ sự phát triển ấy để có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Ai có dịp ghé thăm ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, sẽ nhận thấy sự đổi thay đáng kinh ngạc của ấp từng được ví là nghèo nhất tỉnh. Ông Trần Văn Út, Trưởng ấp Xẻo Trâm, nhớ lại ấp mình từng là ấp “3 không” (không đường, không điện, không nước sạch) nhưng đến nay, biệt danh ấy đã không còn phù hợp với ấp này. Bởi những con đường đất lầy lội ngày nào giờ đã được bê tông hóa, những cây cầu khỉ lắt lẻo được thay bằng cầu đúc, lưới điện đã được kéo tới tận nhà dân… Điều đó chứng tỏ nơi đây đã được sự quan tâm rất nhiều từ cấp ủy, chính quyền nên mới có sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng đến như vậy.

Đến nay, hơn 90% người dân trong ấp Xẻo Trâm sử dụng điện an toàn; những tuyến đường bê tông được xây dựng quanh ấp giúp việc đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều. Dẫn câu chuyện ở ấp Xẻo Trâm để thấy sự chăm lo toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với đời sống người dân, nhất là với đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.

Đánh giá về sự phát triển của tỉnh nhà hơn 13 năm nay, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh cho biết: Khi được thành lập vào năm 2004, Hậu Giang có điểm xuất phát thấp và là địa phương còn nghèo so với các tỉnh trong vùng, khi ấy tỷ lệ hộ nghèo là gần 24%, trong đó huyện Long Mỹ (cũ), Phụng Hiệp và Vị Thủy là 3 huyện nghèo nhất. Thu nhập bình quân đầu người lúc đó là 17 triệu đồng/người/năm, nhưng đến nay, con số đó đã tăng gần gấp đôi, trình độ dân trí của tỉnh cũng được nâng lên rõ rệt. Đó là thành quả từ sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Gần đây, lãnh đạo tỉnh liên tiếp tổ chức các buổi đối thoại, tiếp xúc với nhân dân. “Việc tiếp xúc, đối thoại như vậy không có mục đích nào khác là để góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng chính là quan điểm lãnh đạo của tỉnh từ các nhiệm kỳ trước để lại và chúng tôi là những người kế tục để tiếp tục làm cho thật tốt công việc này”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh chia sẻ.

Thông qua những buổi đối thoại, tiếp xúc như thế, lãnh đạo tỉnh ghi nhận nhiều ý kiến bức xúc, trăn trở của người dân và không ít trong số đó đã được chỉ đạo giải quyết đến nơi đến chốn. Tinh thần cầu thị, một lòng phục vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền đã thật sự ghi điểm trong mắt người dân. Từ đó, họ đã một lòng nghe theo sự lãnh đạo của Đảng, cùng góp công, góp sức để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Lão nông Trần Văn Diệu, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho hay: “Trước đây làm ruộng cực nhọc lắm, chủ yếu bằng sức người. Bây giờ, Nhà nước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, còn cho đắp đê bao, cống ngăn mặn đã tạo thuận lợi rất nhiều cho chúng tôi trong sản xuất lúa. So với lúc mới thành lập tỉnh, cuộc sống người dân hiện khá giả hơn nhiều. Một phần là nhờ sự quan tâm chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Thấy được điều đó nên mọi phong trào do chính quyền địa phương phát động, chúng tôi đều tích cực tham gia, bởi tất cả là vì sự phát triển của quê hương mình”.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tỉnh ủy cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết mang tính cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng mà Trung ương đã ban hành, đặc biệt là việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII). Điều đó thể hiện qua việc Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 05 về nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong; xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ.

Riêng năm 2017, Tỉnh ủy còn đề ra chỉ tiêu số 17 “Mỗi chi bộ thực hiện 1 cuộc kiểm tra và 1 cuộc giám sát chuyên đề; phấn đấu giảm tỷ lệ cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật không quá 0,5%”. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở và ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.

Để ý Đảng hợp với lòng dân thì nhất thiết tổ chức đảng ở cơ sở phải thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực triển khai tốt các chủ trương, đường lối của Đảng đến với người dân. Cũng vì vậy mà các cấp ủy đảng trong tỉnh đã dồn sức chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2017-2020, xem đây là cơ hội để nâng dần năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.

Rõ ràng “ý Đảng hợp với lòng dân” là nền tảng cho thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lòng dân là gốc của ý Đảng, ý Đảng phải xuất phát từ lòng dân. Tiếp tục xây đắp, giữ gìn nền tảng đó là mong mỏi của nhân dân, cũng là “mệnh lệnh sống còn” của toàn Đảng hiện nay.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>