Bước đệm trong xây dựng chính quyền điện tử

19/12/2019 | 19:23 GMT+7

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh không những góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính mà còn tạo tiền đề quan trọng để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

Một cuộc họp giao ban sử dụng thông tin trên máy tính của Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ngay trong hoạt động nội bộ cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều được thực hiện thông qua phần mềm quản lý văn bản. Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã đều sử dụng phần mềm này.

Những tiền đề cần thiết

Các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh còn khai thác có hiệu quả các tính năng của phần mềm quản lý văn bản như ký số trực tuyến; tìm kiếm, tiếp nhận, xử lý văn bản đến; tạo lập, phát hành văn bản đi… Từ đó, giúp việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày. Chưa kể, hệ thống thư điện tử tỉnh đã cấp hơn 3.670 tài khoản cho cán bộ, công chức và cơ quan, đơn vị sử dụng trong hoạt động công vụ.

Ông Phạm Văn Tửu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho hay hiện phần mềm quản lý văn bản đã kết nối với trục liên thông văn bản của Chính phủ và đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ. Riêng phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh cũng đã triển khai cho hơn 700 cơ quan, đơn vị trong tỉnh sử dụng. Phần mềm này đã được chuyển giao cho Sở Nội vụ quản lý và khai thác.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng quan tâm phối hợp các ngành liên quan trong việc khai thác, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản, phần mềm Cổng dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh cũng được đơn vị tiếp nhận, vận hành và quản lý đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Chưa kể, hệ thống họp trực tuyến hiện vẫn đang phục vụ các cuộc họp của UBND tỉnh và các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và giảm thiểu chi phí trong hoạt động hành chính. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử tỉnh được đưa vào sử dụng năm 2005 đến nay đã phát huy hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Cổng đã triển khai cho gần 50 đơn vị trong tỉnh sử dụng...Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ khách hàng. Chẳng hạn như VNPT Hậu Giang đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (VNPT - Invoice); Viettel Hậu Giang triển khai phần mềm ViettelPay ứng dụng trong việc chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán tiền điện, nước...

Đến nay, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang phiên bản 1.0; xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN) tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn quan tâm quản lý và khai thác tốt hạ tầng hiện có, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan đảng và cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhằm từng bước hoàn thành lộ trình xây dựng chính quyền điện tử.

Phát huy những kết quả đạt được, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế ưu tiên đầu tư các hạng mục quan trọng trong Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công, các dịch vụ thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh.

Và động thái tích cực

Ngoài phối hợp với VNPT Hậu Giang xây mới Cổng thông tin điện tử thì thành phố Vị Thanh còn triển khai ứng dụng phần mềm họp không giấy E-Cabinet. Thông qua phần mềm này, lãnh đạo các phòng, ban, các đơn vị sự nghiệp cùng UBND các xã, phường trên địa bàn được cấp tài khoản, mật khẩu để truy cập vào phần mềm. Trước mỗi cuộc họp, nội dung chương trình và các tài liệu số của cuộc họp được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và chuyển đến các đại biểu để nghiên cứu trước.

Trên cơ sở đó, đại biểu có thể truy cập kho tài liệu số chuẩn bị trước phiên họp, kết hợp các công cụ tiện lợi, như: ghi chú, đánh dấu trực tiếp trên tài liệu giúp việc tra cứu được chính xác. Sau phiên họp, các ý kiến, kết quả biểu quyết, chỉ đạo kết luận trong cuộc họp được tổng hợp và thông tin đến các đơn vị, cá nhân trong thời gian ngắn nhất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính chung của thành phố.

Những tháng qua, Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh đã chuyển sang hình thức họp giao ban/kíp trực không giấy vào mỗi sáng hàng ngày. Theo đó, trên máy tính trang bị hoặc điện thoại thông minh, sau khi cán bộ, bác sĩ, chuyên viên được cài đặt phần mềm khám, chữa bệnh kết hợp với phần mềm Excel online sẽ truy cập đầy đủ thông tin về khám, chữa bệnh, tình trạng sức khỏe bệnh nhân, an ninh trật tự… của đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, đánh giá do hoạt động trên nền tảng internet nên người được phép truy cập có thể mở, theo dõi hoạt động ở nhiều nơi một cách dễ dàng. Nếu so với họp giấy và lưu trữ thông tin thì họp không giấy hiệu quả thấy rõ là thông tin kịp thời, chính xác. Bởi muốn biết thêm hoạt động bộ phận nào, truy cập vào sẽ nắm được; trong khi chi tiết, số liệu lưu trữ lâu dài về hoạt động của trung tâm có thể dùng để so sánh, đối chiếu, tổng hợp, phân tích.

Theo Sở Y tế tỉnh, thời gian qua, đơn vị luôn quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, định dạng dữ liệu đầu ra đảm bảo quy định của Bộ Y tế, kết quả gửi hồ sơ giám định trực tuyến đạt trên 95%. Ngành cũng đã triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại tất cả 76 trạm y tế/phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh, xây dựng được hơn 62.100 hồ sơ điện tử.

Rõ ràng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước còn cho thấy sự quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. Mà một trong những động thái tích cực đó là Hậu Giang đã và đang phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn VNPT xúc tiến các giải pháp xây dựng Đề án chính quyền điện tử tỉnh nhà. Trước mắt, Tập đoàn VNPT sẽ lấy thành phố Vị Thanh làm đơn vị hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình chính quyền điện tử dựa trên nền tảng chính quyền số và đô thị thông minh.

Để cụ thể hóa công tác phối hợp thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu mong muốn Tập đoàn VNPT sớm hỗ trợ khảo sát hiện trạng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn để làm cơ sở tư vấn xây dựng Đề án chính quyền điện tử phù hợp cho tỉnh. Ưu tiên thực hiện các hạng mục cấp thiết để phục vụ cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp và triển khai thí điểm một số nội dung có tính khả thi cao trong xây dựng chính quyền điện tử tại thành phố Vị Thanh…

Triển khai thí điểm 3 điểm phát sóng wifi miễn phí

Mới đây, thành phố Vị Thanh đã đưa vào sử dụng hệ thống máy tính tra cứu thủ tục hành chính; đánh giá công chức tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ, đồng thời công khai đầy đủ, chi tiết 309 loại thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa thành phố.

Thành phố còn phối hợp với VNPT Hậu Giang triển khai thí điểm phát sóng wifi tại 3 điểm công cộng gồm Khu văn hóa Hồ Sen, Công viên Hòa Bình và Bộ phận một cửa thành phố Vị Thanh. Đến nay, đã lắp đặt xong thiết bị tại Bộ phận một cửa thành phố, các điểm còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12 này.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>