Ấp cách mạng

27/04/2018 | 09:04 GMT+7

Những ngày tháng 4 lịch sử, về thăm ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, nơi có Đền thờ Bác Hồ thiêng liêng - thấy lòng người rạo rực, hân hoan. Nhớ về Đại thắng mùa Xuân 1975 cách đây 43 năm là người dân nơi đây lại thấy tự hào vì họ đã trực tiếp đóng góp để xây đắp nên nền độc lập của dân tộc.

Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ba hồi tưởng lại quá khứ bi hùng thời chiến.

Người dân ở ấp 3 thường tự hào gọi ấp mình là ấp cách mạng, vì nhiều người con của ấp sẵn sàng hy sinh, dấn thân cho 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Lật lại lịch sử, địa bàn ấp 3 từng là nơi diễn ra nhiều cuộc đụng độ khốc liệt giữa bộ đội ta và giặc Mỹ nên xứ này bị bom cày đạn xới không biết bao nhiêu mà kể. Ấy vậy mà người dân ấp 3 chẳng sợ gì, sự tàn độc của kẻ thù càng nung nấu cho lòng thù hận, sự quyết tâm phải “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Để rồi biết bao câu chuyện về lòng gan dạ, dũng cảm, sự hy sinh cho cách mạng của người dân nơi đây vẫn còn được kể mãi…

Không sợ chết là gì

Gia đình Mẹ Võ Thị Ba tự hào vì được mọi người tôn vinh là gia đình “đỏ” trong cái nôi cách mạng của ấp. Bản thân Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng và Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Mẹ có chồng và con trai là liệt sĩ.

Tuổi cao, sức yếu nên Mẹ Ba đã quên nhiều chuyện trong quá khứ, nhưng mẹ cứ nhớ và nhắc mãi về chuyện: “Con trai tôi Nguyễn Hoàng Anh, tham gia Tiểu đoàn Tây Đô và hy sinh năm 1968”. Có lẽ nỗi đau mất con còn ám ảnh cho đến tận bây giờ và trở thành ký ức vĩnh cửu trong lòng Mẹ.

Con trai Mẹ Ba - Nguyễn Hoàng Anh, khi mới 16 tuổi đã xung phong làm du kích xã, đến 17 tuổi tham gia Tiểu đoàn Tây Đô và hy sinh chỉ vài tháng sau đó trong một trận đánh đồn. “Tao thương thằng Hoàng Anh vì có lòng yêu nước giống hệt cha nó”, giọng Mẹ Ba ngắt quãng.

Rồi Mẹ cũng nhớ loáng thoáng chồng mình (ông Nguyễn Văn Chơi) từng làm kinh tài ở ấp, rồi bị giặc giết hại, để lại cho Mẹ 6 đứa con nhỏ dại. Nghịch cảnh ấy không phải phụ nữ nào cũng đủ sức vượt qua, nhưng Mẹ không chỉ nuôi nấng các con trưởng thành mà còn hăng hái lo cho cách mạng.    

Hết làm công tác phụ nữ của ấp rồi phó ban phụ nữ của xã, bằng sự dũng cảm, mưu trí, Mẹ Ba luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ vận động thanh niên nhập ngũ, kêu gọi lính ngụy trở về với chính nghĩa; cũng như những lần cực khổ tải lương nuôi bộ đội. Thời ấy, dấu chân Mẹ in khắp các nẻo đường ở Long Mỹ; Chương Thiện (thành phố Vị Thanh ngày nay) trong những lần vận động chị em đấu tranh tại các đồn giặc. Nhiều lần Mẹ suýt chết vì bom đạn của kẻ thù.

Có kể mãi cũng không thể hết sự đóng góp, hy sinh của gia đình Mẹ Ba cho cách mạng, đất nước sẽ mãi ghi nhớ công ơn ấy. Mẹ chia sẻ rằng, thời ấy thanh niên trong ấp chỉ chừng 16 tuổi đã đòi… đi đánh giặc, còn phụ nữ thì trở thành hậu phương vững chắc cho bộ đội. “Không biết sợ chết là gì, cứ coi việc đánh giặc, giết giặc và đuổi giặc ra khỏi quê hương là niềm vui, là động lực để mỗi người vượt qua những lúc nguy hiểm và gian khổ nhất”, Mẹ Ba chia sẻ.

Các chị em từng một thời đoàn kết, chịu đựng gian khổ khi làm nhiệm vụ với Mẹ Ba giờ… không còn mấy ai. Có còn thì cũng già yếu như bà Nguyễn Thị Út (87 tuổi).

Mẹ Ba và bà Út từng là hai… trụ cột của phong trào phụ nữ của xã Lương Tâm thời chiến. “Xung quanh nhà tôi lúc ấy toàn là hố bom, có hố to bằng cái nền nhà. Giặc đánh phá ác liệt nên tình hình sản xuất cũng khó khăn lắm, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo đủ lương thực nuôi bộ đội đánh giặc”, bà Út cho biết.

Nhà bà Út thời đó là nơi trú ẩn an toàn của nhiều chiến sĩ cách mạng. Có người bà chưa từng biết mặt, biết tên nhưng vẫn không ngại nuôi chứa, bất chấp nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào.

Để qua mắt kẻ thù, gia đình bà đào nhiều hầm lớn để bộ đội trú thân. Hàng ngày, bà chăm sóc họ như người thân, nhà có gì cũng chia cho bộ đội cùng ăn. Vì nhiệm vụ công tác nên nhiều lượt bộ đội đến ở rồi đi tại nhà bà, nhưng chưa từng bị giặc phát hiện. Nhiều người ra đi hứa trở về thăm bà sau ngày toàn thắng…

Chiến tranh lùi xa nhưng lòng bà Út vẫn bị đè nặng bởi nhiều ký ức. Bà nhớ và rất thương hai đứa em chồng do chính tay bà nuôi nấng, khi trưởng thành đã tình nguyện đi bộ đội và đều hy sinh. Bởi thế, bà luôn giáo dục con cháu phải biết trân quý cuộc sống thời bình, ấm no của hiện tại, bởi nó đã được đánh đổi bởi quá nhiều máu và nước mắt của cha anh ngày trước.

Diện mạo đường nông thôn đẹp hiện nay ở ấp 3, xã Lương Tâm.

Cũng sẽ chọn đi theo cách mạng

Cách nhà bà Út không xa, bà Trần Thị Đẹp (Chín Đẹp) đang tranh thủ làm lại chuồng gà. Là thương binh hạng 4/4 và đã 66 tuổi, nhưng trông bà Đẹp còn khỏe lắm. Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành, nhưng ít ai ngờ bà từng là nữ giao liên gan dạ, khôn khéo.

Lúc mới 13 tuổi, bà Đẹp nghe theo lời của mấy chú, mấy anh trong xóm để đi làm… cách mạng. Biết bà gan dạ và đầy mưu mẹo nên mọi người giao làm giao liên, chuyển các lá thư mật ở quanh thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Do đường bộ đi lại khó khăn nên nữ giao liên Chín Đẹp thường chọn thực hiện nhiệm vụ bằng đường thủy. Lúc đó, giặc đóng quân ở Ngan Dừa khá đông và luôn theo dõi nhất cử nhất động của cách mạng, vậy mà nữ giao liên này nhiều lần chuyển thư thành công mà giặc không hề hay biết.

Thì ra mỗi lần làm nhiệm vụ, bà gói thư trong túi nilon rồi lấy đất nắn lại thành một cục tròn bỏ trong khoang xuồng; lỡ bị giặc phát hiện thì giả vờ tát nước và phi tang luôn lá thư xuống sông. “Lúc đó tôi còn nhỏ tuổi, thân hình lại gầy guộc nên giặc không nghĩ tôi là giao liên”, bà Chín Đẹp nói.

Khi lớn hơn, không tiện làm giao liên nữa nên bà được phân công làm trong đội tuyên truyền xung phong của huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu). Trong lần làm nhiệm vụ ở đồn Tà Ki, bà bị thương nặng, may mắn được đồng đội cứu thoát. Khi vết thương đã lành, bà trở lại công tác cho đến ngày toàn thắng.

Nhìn ra ngoài ngõ thấy mấy đứa học sinh đạp xe đến trường trên tuyến đường đan phẳng phiu, rộng rãi, bà Chín Đẹp nói: “Ngày trước, ở tuổi đó tôi đã tham gia cách mạng rồi. Mấy chú, mấy anh nói làm cách mạng gian khổ và có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng tôi không sợ. Dù chịu nhiều thương tích và mấy mảnh miểng còn nằm trong cơ thể, nhưng sự mất mát, đau đớn của tôi có là gì so với các anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn ngã xuống để đất mẹ đơm hoa”.

Trời đứng bóng cũng là lúc thương binh hạng 3/4 Huỳnh Văn Luốl đem thuốc ra uống để giảm cơn đau đầu - vết thương ông gặp phải khi cùng đồng đội công đánh đồn Ngang Mồ, ở ấp 8, xã Lương Tâm, vào năm 1972.

Ông Luốl tham gia Tiểu đoàn Tây Đô khi mới 15 tuổi, 4 năm sau về làm trung đội phó tại Xã đội Lương Tâm. Khi đánh đồn Ngang Mồ, lực lượng của xã đội và du kích các ấp chừng hơn 30 người. Trải qua 18 ngày đêm chiến đấu ác liệt, lực lượng của ta mới phá được đồn Ngang Mồ nhưng đã có 3 chiến sĩ hy sinh và 18 người khác bị thương. Bản thân ông Luốl bị thương ở đầu, có lúc mạng sống như… chỉ mành treo chuông.

“Nếu chọn lại tôi cũng sẽ chọn đi theo con đường cách mạng của Đảng, của Bác Hồ. Bởi tôi hiểu đó là con đường duy nhất để đem đến nền độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc ta”, ông Luốl chia sẻ

Chính những người như Mẹ Ba, bà Út, bà Chín Đẹp, ông Luốl đã góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; xứng danh với ấp cách mạng - ấp 3.

Sau ngày toàn thắng, người dân nơi đây đã mang tinh thần bất khuất, kiên cường, sẵn sàng hy sinh cái riêng cho cái chung trong thời chiến vào công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương thời bình. Giờ đây, diện mạo ấp 3 đã thay đổi nhanh chóng, trở thành đại diện tiêu biểu cho sự giàu đẹp, phát triển không ngừng của xã nông thôn mới Lương Tâm.

Ông Nguyễn Tấn Đẹp, Phó Trưởng ấp 3, cho biết, do là ấp trung tâm của xã nên có điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ. Chưa kể là ấp có Đền thờ Bác Hồ - biểu tượng thiêng liêng trong tâm khảm người dân. Tất cả sẽ là nền tảng để ấp cách mạng ngày nào cất cánh vươn xa đón chào tương lai mới!

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>