Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng: Tượng đài bất tử về người mẹ

25/07/2018 | 14:12 GMT+7

Tròn 50 năm, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) đã anh dũng hy sinh, nằm xuống đất Mẹ cho “Tổ quốc quyết sinh”. Cuộc đời hoạt động cách mạng, và đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng của bà không chỉ đi vào lịch sử, mà còn đi vào văn học - nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung.

Năm 1925 tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai (nay là ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình), người con gái được đặt tên Lê Thị Riêng đã chào đời. 20 năm sau, Lê Thị Riêng bắt đầu tham gia cách mạng vào những ngày đầu của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đó, những chuỗi ngày gian nguy trong khói lửa đạn bom dần trui rèn nên một Lê Thị Riêng kiên trung, anh dũng. Khi chồng hy sinh, bà nén đau thương đành gửi con ra Bắc để yên tâm phụng sự Tổ quốc. Đọc những lời thơ gửi ra thăm con, có thể hình dung được người mẹ ấy đã phải nuốt bao nhiêu nước mắt vào lòng vì nhớ con. “Mẹ đã chịu, trong những ngày xa cách/ Tôi ước mơ một ngày xuân thống nhất/ Được gặp con, được ôm ấp vỗ về/ Thèm thuồng nhìn đôi mắt trẻ ngây thơ/ Bao hạnh phúc mẹ dồn về con cả/ Nhưng con hỡi, nước non còn chia cắt/ Bởi kẻ thù tàn bạo gây nên/ Bao gia đình tan nát điêu linh/ Bao em bé phải đoạn tình mẫu tử/ Màu đen tối sẽ lùi về dĩ vãng/ Vì toàn dân đã vùng dậy đứng lên/ Mẹ nguyện làm một chiến đấu viên/ Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng…” (trích bài thơ “Ước mơ” của AHLLVTND Lê Thị Riêng gửi con mình). Vượt qua đau thương, mất mát, bà vẫn hăng say công tác, say mê học tập. Bà có mặt ở nhiều địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ rồi Tây Nam bộ để chỉ đạo phong trào phụ nữ miền Nam. Thế nhưng, lòng nhiệt huyết dành cho cách mạng của bà đã kết thúc vào đêm mồng 2 Tết Mậu Thân 1968. Bọn giặc sau khi dùng nhục hình không lấy được lời khai của bà, đã đem bà thủ tiêu cùng hai chiến sĩ khác. Hai anh em: Chí Công và Minh Chánh đã không còn nhận được những bức thư từ người mẹ gửi ra cho mình. Những dòng nhật ký còn viết dỡ, trong đó lấp lánh một câu chuyện huyền thoại về mẹ, là thông điệp của quá khứ gửi tới thế hệ sau về một tấm gương hy sinh cao cả của người nữ liệt sĩ anh hùng.

Tượng đài Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng trong công viên được đặt tên của bà tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: N.V

Dáng đứng bất khuất trong tà áo bà ba đậm chất miền Tây, chiếc khăn rằn quấn quanh cổ đặc trưng cho người chiến sĩ cách mạng Nam bộ… là hình ảnh của nữ AHLLVTND Lê Thị Riêng đứng hiên ngang trong công viên được đặt tên của bà. Công viên Lê Thị Riêng (phường 8, TP. Bạc Liêu) nơi nữ anh hùng đứng sừng sững một tượng đài về tình yêu nước cao cả, tình yêu chồng, thương con bao la. Viết về bà, đã có rất nhiều bài thơ, bản vọng cổ… Và đặc biệt là mới đây, làng sân khấu tỉnh nhà trình diễn một chập cải lương tôn vinh người nữ anh hùng này. Vở diễn với tựa đề “Thiêng liêng tình mẹ” của tác giả Vưu Long Vĩ, vừa đoạt giải Nhì (không giải Nhất) tại cuộc thi sáng tác lời mới ở 3 thể loại: 20 bản Tổ đờn ca tài tử, bài ca cổ và chập cải lương. Tác giả Vưu Long Vĩ chia sẻ: “Tôi sáng tác tác phẩm này nhằm kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7) sắp tới. Chập cải lương “Thiêng liêng tình mẹ” xoay quanh câu chuyện người phụ nữ dẫn hai con mình đến trước công viên Lê Thị Riêng có ý muốn tuyệt mệnh. Nhưng nhờ sự can ngăn của những người trong khu phố đã giúp chị tỉnh ngộ bằng câu chuyện và tình thương con của người nữ AHLLVTND Lê Thị Riêng. Vở diễn kết thúc có hậu với thông điệp vô cùng ý nghĩa: Không có gì thiêng liêng bằng tình mẫu tử, và chính tình thương con sẽ trở thành nguồn sức mạnh giúp người mẹ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Một lần nữa câu chuyện về sự kiên trung, về tình mẹ bao la đã tạc nên tượng đài Lê Thị Riêng bất tử trong lòng những người con hậu thế.


Theo Ngọc Trân – Báo Bạc Liêu Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>