50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Khát vọng vươn lên, khát vọng hòa bình

05/02/2018 | 16:22 GMT+7

Nhắc đến ký ức 50 năm trước, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Lê Hiền Tài (Tư Tài) đọc lại bài thơ Chúc tết Xuân Mậu Thân - 1968 của Bác Hồ. Giọng ông ngân vang, hào sảng đúng chất “ông già Nam bộ”, xen lẫn niềm tự hào:

  “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!”.

Từ trái qua: ông Tư Tài, ông Năm Minh, ông Hai Công - những nhân chứng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Với đại tá Lê Hiền Tài, lời thơ cũng là lời hiệu triệu, hiệu lệnh mở man cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khẳng định tinh thần, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, củng cố niềm tin trong cuộc chiến đánh giặc Mỹ.

Đọc xong bài thơ, khi nụ cười chưa kịp hết, vị đại ta về hưu bồi hồi nhớ về thời khắc cách đây 50 năm, khi đó ông là Đội trưởng Đội phẫu thuật, ông nhớ lại câu chuyện của mình…

Nhớ về lần đầu đánh vào đô thị

Đại tá Lê Hiền Tài kể, sau đợt 1 Mậu Thân, Đội phẫu thuat (Quân y tỉnh Cần Thơ) còn 28 người, được lệnh chuyển địa bàn phục vụ cho Tiểu đoàn Tây Đô đánh qua Châu Thành B (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang ngày nay), do yêu cầu thực tiễn của chiến trường, Quân khu điều Tiểu đoàn Tây Đô đi bất thường, trước thời gian quy định, Đội phẫu thuật phải tự lực hành quân. Cả đội đi 6 xuồng hướng về Rạch Sung ngủ một đêm tại Tân Phú Thạnh. Làm công tác chính trị, tư tưởng xong, ông đã liên hệ với đường dây giao liên tuyến huyện Châu Thành - Châu Thành A ngang Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A). Khi đó, Tiểu đoàn Tây Đô đã nổ súng theo chỉ đạo từ trên.

Khi phát hiện bọn giặc cử người đặt mìn theo tuyến lộ, ông cho họp chi bộ ngay mé vườn để nhận định tình hình và nhấn mạnh “dù sống chết gì cũng phải qua lộ”. 28 người chia ra làm 3 tiểu đội và ông xung phong đi trước, với tinh thần nếu có bị nổ vẫn phải đi, ai bị thương sẽ kè theo. Anh em còn rất trẻ, chưa thông thạo cách qua lộ, nên dễ hoảng hốt, đạp trúng mìn, có một số bị thương và hy sinh…

Đồng đội xưa cùng ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Với ông Lê Hiền Tài, đó là đợt hành quân lịch sử, lần đầu tiên qua lộ, chuyển địa bàn. Câu chuyện đại tá Lê Hiền Tài kể tuy không oanh liệt như những trận chiến năm 1968 tại chiến trường Cần Thơ, nhưng cũng đủ để thấy sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ khi lần đầu được giao nhiệm vụ đánh vào đô thị.

Còn tại thị xã Vị Thanh, ông Võ Hoàng Minh (Năm Minh), nguyên Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, nhớ lại, ông chịu trách nhiệm một Tiểu đội du kích tổng hợp từ xã Vị Thanh, xã Hòa Hưng, du kích vùng, với phương tiện chiến đấu khá eo hẹp. Dù vậy, ai cũng nhận thấy dịp Tết Mậu Thân khí thế hừng hực, nhận được thông tin, tập hợp lên phương án đánh, anh em vui vẻ. Tuy nhiên, lực lượng ta không chính quy, nên thiệt hại cũng lớn, nguyên nhân là do chưa có kinh nghiệm đánh trong thành phố, nhưng điều quan trọng là đã làm địch rất hoang mang tư tưởng, tinh thần.

Còn ký ức với ông Trần Văn Kỷ (Sáu Kỷ, lúc đó là Đội phó Đội biệt động 1) là nỗi đau đến giờ nhắc lại còn ứa nước mắt khi chứng kiến đồng đội hy sinh, “Thấy thương đồng đội mình, nhưng thấy tự hào vì anh em đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Vào những trận đánh, đồng đội bảo nhau người trước ngã, người sau phải xông tới. Đã có biết bao gia đình, những người cha, người mẹ, người chị đêm đêm đào hầm, tiếp tế, chuyển lương thực, thuốc men… cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sức mạnh hậu phương, sức mạnh của lòng dân là ở đó”, ông Sáu Kỷ nói.

Nhắc đến Mau Thân 1968, bà Nguyễn Thị Tư (ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) chưa thể quên được niềm vui và cả nỗi đau của mùa xuân năm ấy, khi ông Nguyễn Văn Năm, chồng bà, Trưởng ban Binh vận xã Tân Bình, hy sinh. Bà Tư nói: “Đâu chỉ có riêng gì chồng tôi hy sinh cho Tổ quốc, nên mình nén nỗi đau riêng. Mình thấy ấm lòng vì chồng hy sinh cho hòa bình, cho độc lập của dân tộc”. Nhiều người phụ nữ như bà Tư vẫn luôn nhớ, tự hào về những người chồng, người con đã hy sinh năm Mậu Thân. Trên đất Hậu Giang, nhiều người vẫn còn kể câu chuyện về má Ba và những chị giao liên ở xã Nhơn Nghĩa chuyển vũ khí vào Vòng Cung cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968; chuyện anh Út Già, anh Cà Lơ, anh Năm Yến đánh giặc bằng chông và chất nổ ở xã Thạnh Xuân; anh Ba Ka đánh địch bằng tổ ong vò vẽ ở xã Đông Phước.

Còn rất nhiều câu chuyện lớn nhỏ đã làm nên lịch sử mà chúng tôi chưa kịp ghi lại, chưa kịp gặp những nhân chứng một thời đã sống và chiến đấu, nhưng có một điều ai cũng phải công nhận: Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris, chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện…

Tỉnh Cần Thơ trong suốt thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước có 73 xã, 585 ấp, 800.000 dân. Nơi đây đông dân, nhiều của, cho nên đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn giữ cho được nơi này để vơ vét phục vụ chiến tranh, các cơ quan đầu não, sào huyệt của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn được chúng ra sức xây dựng tại thành phố Cần Thơ như Vùng IV chiến thuật, Quân đoàn 4 chỉ huy các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thắng lợi mang tính quyết định

Ông Nguyễn Minh Công (Hai Công), nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Cần Thơ những năm sau giải phóng, còn nhớ, thời điểm triển khai Chỉ thị Tổng tiến công tại Kênh 5 do Khu ủy tổ chức (nay là địa điểm tại Di tích lịch sử văn hóa căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh), với sự tham gia của khoảng 200 cán bộ. “Tôi thuộc nhóm phục vụ cho lãnh đạo, công tác tại Ban Căn cứ Tỉnh ủy. Triển khai Chỉ thị Tổng tiến công xong, đồng chí nào cũng hân hoan lắm, khí thế hừng hực, khuôn mặt ai cũng vui, tràn ngập niềm tin chiến thắng. Ban Căn cứ phụ trách xây dựng 3 căn cứ ở vùng này là Căn cứ sông Nước Trong, Căn cứ sông Nước Đục và Căn cứ Kênh 5. Từ năm 1965-1968 là giai đoạn có nhiều kỷ niệm trong những năm tham gia cách mạng của tôi và nhiều đồng chí khác, cả ban đi đến đâu phải đào hầm, đào công sư tới đó, lo an toàn cho những cán bộ Tỉnh ủy”…

Tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, họp tháng 1-1968 đã phân tích, đánh giá tình hình và chủ trương mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào Xuân Mậu Thân 1968 để giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược là chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - Thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Hướng tiến công gồm đòn đánh tiêu diệt của bộ đội chủ lực ở chiến trường rừng núi và đòn công kích quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng đánh sập cơ quan đầu não của đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở các đô thị quan trọng, trên toàn miền Nam.

Sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam chỉ thị phải tích cực tạo điều kiện và chuẩn bị cho thời cơ chiến lược. Để đảm bảo bí mật, bất ngờ với địch, về ngày, giờ của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Trung ương Cục biết trước 10 ngày, Khu ủy biết trước 5 ngày, Tỉnh ủy biết trước 3 ngày, còn chỉ huy đơn vị chỉ biết trước từ 1-2 ngày. Chiến trường Khu 9 có 2 trọng điểm tiến công. Trọng điểm 1 là thành phố Cần Thơ, trọng điểm 2 là thị xã Vĩnh Long.

Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo 2311 (năm 1968), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, có kể, để chuẩn bị cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Bộ Tư lệnh Quân khu thành lập Lữ đoàn Bộ binh, Lữ đoàn có 5 tiểu đoàn là: 307, 303, 309, Tiểu đoàn Tây Đô và Tiểu đoàn 2311 Pháo binh. Sau đợt 2 của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu thành lập thêm Tiểu đoàn 962, tách Tiểu đoàn Tây Đô về thuộc tỉnh, tổ chức lại thành 1 trung đoàn: Trung đoàn 1 gồm 2 tiểu đoàn: 303 và 307, Trung đoàn 2 gồm 2 tiểu đoàn: 309, 962. Riêng Tiểu đoàn 2311 trực thuộc Quân khu. Để tấn công vào thành phố Cần Thơ, Khu 9 chọn hướng Nam - Tây Nam làm hướng tấn công chủ yếu, vì hướng này mới có đủ điều kiện triển khai tập kết lực lượng, làm bàn đạp tấn công mạnh, liên tục vào thành phố Cần Thơ và các mục tiêu trọng yếu của Vùng IV chiến thuật. Qua các đợt tấn công, quân và dân ta đã giáng cho địch những đòn sấm sét, bất ngờ vào đầu não của đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Vùng IV chiến thuật.

Nhắc đến Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại Cần Thơ, miền Tây Nam bộ, không thể không nhắc đến tuyến lửa Vòng Cung - nơi mà nói đến người ta vẫn nhớ mãi hai câu thơ của nhà thơ Lâm Thao:

 “Vòng Cung đi dễ khó về Đạn chen đầu đạn bom kề hố bom”.

Các bà, các mẹ gói bánh tiếp tế cho chiến trường Vòng Cung năm 1968. (Ảnh tư liệu Bảo tàng thành phố Cần Thơ).

Từ năm 1966, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã xác định tuyến Lộ Vòng Cung là tuyến án ngữ, chủ động đối phó, ngăn chặn lực lượng quân giải phóng. Nơi đây còn được xác định là tuyến “Phòng thủ đặc biệt quan trọng” nhằm bảo vệ cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật, Quân đoàn 4, tỉnh Phong Dinh, Tòa Lãnh sự quán Mỹ, Nha Cảnh sát miền Tây, kho tàng, sân bay, bến cảng… cấp vùng. Địch thiết lập một đơn vị hành chính cấp quận gọi là Chi khu Phong Điền. Cuối năm 1967, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn triển khai xây dựng tuyến phòng thủ với hệ thống hàng trăm đồn bót, nhiều yếu khu, dày đặc bộ máy kìm kẹp quần chúng, tăng cường càn quét, đánh phá phong trào cách mạng trong vùng. Từ đó, tuyến Lộ Vòng Cung đã trở thành “Vành đai lửa”. Lộ Vòng Cung bắt đầu từ cầu Cái Răng đến Ba Se - Giáo Dẫn (Ô Môn), ôm gọn các xã An Bình, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân, thị trấn Phong Điền, 2 ấp của xã Nhơn Ái, xã Tân Thới, Thới An Đông và một phần của xã Phước Thới cùng trọn vẹn nội ô thành phố Cần Thơ. Nhiều câu chuyện oai hùng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đến giờ vẫn còn nguyên giá trị khi nhắc về “Vòng Cung lửa”!

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp là Khu ủy Khu 9, Tỉnh ủy Cần Thơ đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến lược của Trung ương vào thực tiễn địa phương, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp toàn diện về chính trị, vũ trang, binh vận, kinh tế… nhằm tạo nên sức mạnh to lớn giành thắng lợi trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Thắng lợi đó thể hiện sự quyết tâm chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và quân dân Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên, quân và dân Cần Thơ phối hợp với lực lượng của Quân khu đánh vào đô thị lớn nhất Tây Nam bộ. Để có được thắng lợi đó, trước hết ở đường lối đúng đắn của Trung ương; đồng thời là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Cần Thơ, đã động viên đến mức cao nhất sức người, sức của, chuẩn bị mọi mặt cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, tổng kết lịch sử trong 3 đợt tại thành phố Cần Thơ, Lộ Vòng Cung, lực lượng chủ lực Quân khu 9, bộ đội địa phương Cần Thơ, lực lượng dân quân du kích các xã Lộ Vòng Cung đã tiêu diệt trên 2.000 tên địch, đánh và làm tiêu hao, tiêu diệt trên 10 tiểu đoàn, làm bị thương trên 1.140 quân địch, phá hủy 180 máy bay, bắn cháy 18 xe M113 và 100 xe quân sự khác, bắn chìm 12 tàu, đánh sập 4 cầu sắt, làm đứt nhiều đoạn giao thông quan trọng...

Cái tết hào hùng, hào khí 50 năm ấy đã góp phần động viên toàn quân, toàn dân tiến tới Đại thắng Mùa Xuân 1975 vĩ đại!

Sau 50 năm, Cần Thơ - Hậu Giang bước vào hành trình mới

Chỉ tay về những công trình mới đang xây dựng hai bên bờ kênh xáng Xà No, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hiền Tài chia sẻ rằng, Hậu Giang đã có quá nhiều thay đổi, ông cũng không nắm hết các số liệu, những con số nói lên sự phát triển của Hậu Giang về kinh tế, về vốn đầu tư, thu thuế…, nhưng thấy thành phố Vị Thanh lâu lâu lại có những công trình mới, khang trang, người dân có nơi vui chơi, học sinh giờ có nhiều trường lớp để học… tất cả là sự thay đổi quá lớn. Rồi có dịp đi trên đường về Phụng Hiệp, Long Mỹ, Châu Thành… đều là những địa phương nhiều khó khăn từ lúc chia tách tỉnh, thấy đường sá “ngon lành”, nhà cửa hai bên được xây cất đẹp bên những đồng ruộng xanh ngút ngàn, những vườn cây xanh mướt mắt… bao nhiêu đó đủ để thấy sự đổi thay trên quê hương vốn là vùng căn cứ kháng chiến năm xưa, chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, vết thương thời chiến đến nay vẫn chưa lành và ngày qua ngày vẫn đang được hàn gắn.

Dù vết thương chiến tranh chưa lành hẳn, nhưng nỗi buồn có lẽ đã vơi đi phần nào, khi hơn 14 năm qua, Hậu Giang luôn lấy việc lo cho dân làm gốc, xem đó là trách nhiệm, là cách để trả ơn, trả nghĩa với vùng căn cứ cách mạng này. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh tự hào nói: “Những năm mới chia tách, Hậu Giang được gọi là vùng trũng của cả nước, thấp cả mức sống, giáo dục và cơ sở vật chất, như ốc đảo giữa đồng bằng, những lãnh đạo tiền nhiệm bằng cả sự cố gắng của mình đã làm nên nhiều thành quả đáng trân trọng. Tất cả là nền tảng để Hậu Giang tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2015-2020…”. Đúng như lời nguyên Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, Hậu Giang ngày nay vươn lên mạnh mẽ như thế này không thể không nhắc đến cái nghĩa, cái tình, cùng những đóng góp và rất nhiều những hy sinh của các cha, các chú, các ba, các mẹ, các chị, của thế hệ đi trước, thế hệ hôm nay và cả mai sau!

50 năm sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gần 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Hậu Giang - thành phố Cần Thơ đã và đang trên hành trình hướng tới sự phát triển toàn diện. Trong khi thành phố Cần Thơ là thủ phủ của đồng bằng sông Cửu Long, được bình chọn là “Cảnh quan châu Á”, thì Hậu Giang được xem như một hiện tượng trong phát triển ở miền Tây sông nước… Và sau 50 năm, nhắc lại để thấy rằng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là khát vọng hòa bình, là khát vọng vươn lên, là khát khao độc lập, là niềm tin thống nhất, để lại một niềm tự hào vô tận trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ!

HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>