50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nông dân “phấn khởi đẩy mạnh sản xuất”

25/08/2019 | 12:35 GMT+7

Thực hiện lời dặn của Bác trước lúc đi xa, nông dân Hậu Giang luôn đẩy mạnh sản xuất, phát huy khả năng, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp địa phương.

Mô hình sản xuất bưởi da xanh VietGAP của Hợp tác xã Tiến Nông.

Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó, Người đặc biệt để tâm đến giai cấp nông dân. Trong các lần viết, sửa Di chúc, tháng 5-1968, Bác bổ sung: “…Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất”.

Thực hiện di nguyện của Người, ngày 28-12-1989, Quốc hội ra Nghị quyết về việc miễn thuế nông nghiệp. Theo đó, miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ nông dân, thực hiện trong 2 năm 1990 và 1991… Đến tháng 11-2010, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; thời hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thực hiện từ ngày 1-1-2011 đến hết ngày 31-12-2020.

“Hỉ hả, mát dạ, mát lòng”, bao thế hệ nông dân Hậu Giang “phấn khởi đẩy mạnh sản xuất”, miệt mài lao động, phát triển sản xuất làm giàu cho gia đình và xã hội, góp công sức vào sự nghiệp phát triển đất nước. 

Làm giàu trên vùng đất khó

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo, đất đai nhiễm phèn nặng, nhưng ông Lê Hoàng Vũ, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã vượt khó vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất ấy.

Con nhà nông, chọn cho mình con đường làm giàu từ nông nghiệp cũng không có gì lạ đối với ông. Tuy nhiên, nhận thấy đất đai kém màu mỡ, làm ruộng vườn không thích hợp nên ông tìm hướng đi riêng cho gia đình với nghề nuôi lươn.

Gần 20 năm trước, khi vùng đất này chưa ai biết đến nuôi lươn thì ông Vũ đã bạo gan nuôi thử nghiệm. Ông Vũ chia sẻ: “Thời đó, thấy con lươn bự (loại nhất - PV) bán giá gấp 4 lần con lươn nhỏ nên tôi liền nảy ra ý định nuôi lươn nhỏ chờ lớn lên rồi bán để tăng lợi nhuận”.

Những ngày đầu, chủ yếu ông bắt lươn con trong tự nhiên về nuôi. Do thiếu kinh nghiệm nên cũng bao phen thất bại. Qua nhiều lần rút tỉa kinh nghiệm, biết được thói quen, quá trình sinh trưởng của lươn thì ông mới dần thành công với nghề này.

“Do tiên phong nuôi nên kinh nghiệm không có, sau 2 năm thất bại, năm thứ 3 tôi thành công. Nhớ lúc đó, tôi nuôi khoảng 700 con lươn thịt, khi bán ra được khoảng 9 triệu đồng. Với số tiền này, thời đó mua được tới 2 cây vàng”, ông Vũ kể.

Từ thành công ban đầu, ông mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng diện tích và xác định đây là nghề chính của gia đình. “Ra riêng được một công đất, làm lúa thì khó mà giàu vì thế khi thử nghiệm thành công, tôi quyết định đầu tư mở rộng quy mô. Tính ra một công đất làm trại nuôi lươn lợi nhuận thu về gấp 20 công ruộng ở xứ này”, ông Vũ khẳng định.

Ông Vũ cũng không ngừng học tập kinh nghiệm nhiều nơi để nuôi lươn sinh sản, sản xuất con giống. Hiện tại, trại lươn của ông cung ứng ra thị trường mỗi năm hàng trăm ngàn lươn con.

Ông Vũ cho biết thêm: “Năm rồi, tôi xuất bán hơn 100.000 con lươn giống, năm nay, theo kế hoạch sẽ đạt khoảng 300.000-400.000 con. Hiện tại, tôi đang tiếp tục xây bể để nuôi lươn thịt và mở rộng quy mô sản xuất lươn giống. Dự kiến, năm tới tôi nuôi khoảng 40.000 con lươn thịt và xuất bán ra thị trường tầm 700.000-800.000 con lươn giống”.

Nhờ thành công như đã nói, gia đình ông Vũ đã tích góp mua thêm được 3 công đất để đầu tư phát triển nghề. Hiện bình quân mỗi tháng, thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 20 triệu đồng. Đồng thời, ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 3 lao động tại địa phương, mỗi lao động thu nhập từ 200.000 đồng/ngày; ông còn giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn mua chịu lươn giống về nuôi.

“Hồi mới chuyển sang làm lươn giống tôi thất bại, thiếu hụt vốn làm ăn, lúc đó, rơi vào diện nghèo. Nhưng với ý chí vươn lên làm giàu, tôi đã đạt nhiều kết quả, thành công từ sản xuất lươn giống giúp tôi thoát nghèo nhanh chóng và ổn định như hôm nay”, ông Vũ tiết lộ.

Hội nông dân các huyện, thị, thành phố tham quan mô hình nuôi lươn sinh sản của ông Vũ.

Đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững

Từ 3 năm nay, đến ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ sẽ được nghe bà con nhắc nhiều đến cây bưởi da xanh. Đây là loại cây trồng được người dân tin tưởng chọn trồng thay cây lúa kém hiệu quả.

Ông Trần Văn Nhâm, ở ấp 2, cho biết: “Đất trồng lúa vùng này bị nhiễm mặn cho năng suất thấp nên chúng tôi chuyển đổi lập vườn trồng bưởi da xanh. Tuy nặng công cải tạo đất nhưng thấy cây bưởi phát triển tốt nên rất an tâm”.

Cũng theo ông Nhâm, từ hiệu quả của một số hộ chuyển đổi trước, chính quyền địa phương tập trung khuyến khích nông dân trong ấp chọn trồng loại cây này để gia tăng giá trị kinh tế. Vì thế, ông Nhâm cùng nhiều nông hộ trong ấp mạnh dạn mở rộng diện tích bưởi trên địa bàn.

Tuy mới phát triển không lâu nhưng cây bưởi da xanh đang dần trở thành cây chủ lực của địa phương. Với hơn 20 hộ dân trồng, tổng diện tích khoảng 40ha, ấp đã thành lập Hợp tác xã Tiến Nông, sản xuất bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP.

Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nông, chia sẻ: “Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng và Hợp tác xã bỏ ra thêm 600 triệu đồng nữa để thực hiện quy trình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP cho 20ha nhằm nâng giá trị của sản phẩm làm ra, đáp ứng tốt thị hiếu tiêu dùng thực phẩm chất lượng hiện nay”.

“Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng mới giúp nông dân có được hướng đi bền vững trong tương lai. Áp dụng tiêu chuẩn này làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững cho sản phẩm làm ra. Đây là điều chúng tôi mong muốn lâu nay”, ông Nhâm cho biết thêm.

Theo ông Tôn, từ khi thành lập, các thành viên trong Hợp tác xã được hội nông dân các cấp và cơ quan chuyên môn quan tâm tạo điều kiện rất nhiều trong sản xuất. Ngoài hỗ trợ cây giống, xây dựng thương hiệu trái bưởi VietGAP, các thành viên còn được hỗ trợ rất nhiều về khoa học - kỹ thuật nhằm giúp họ tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Dự kiến trong năm nay, Hợp tác xã sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP. Ngay thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp tìm đến hợp tác xã với ý muốn hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, các thành viên rất an tâm đầu ra của trái bưởi, tập trung chăm sóc tốt để vườn bưởi cho năng suất cao.

Thời chiến, nông dân được Bác xem là lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh. Nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi gian khổ. Vì thế nông nghiệp, nông dân luôn trong tâm tưởng của Người. Thực hiện di nguyện của Bác, ngoài miễn thuế cho nông dân, 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta, chính quyền địa phương đã có rất nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời cho nông dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Ở tỉnh, công cuộc xây dựng nông thôn mới có nhiều thành tựu, là điểm sáng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Với sự quan tâm đặc biệt của Bác, nông dân cả nước nói chung, nông dân Hậu Giang nói riêng luôn nỗ lực phát triển sản xuất, làm tốt nhiệm vụ quan trọng của mình đó là sản xuất lương thực, thực phẩm. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn, gian khổ đến đâu thì nông dân cũng nỗ lực vượt qua, tích cực sản xuất, tạo ra nhiều của cải, làm giàu cho gia đình và xã hội.

* * *

Trong hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh, ổn định, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,06%/năm (giai đoạn 1986-2015). Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai trên cơ sở phát huy lợi thế của cả nước và mỗi địa phương gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản xuất - tiêu thụ khép kín được tăng cường; sản xuất hiện đại không ngừng đẩy mạnh; sản xuất thông minh có nhiều tiến bộ…

Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền đã cụ thể hóa Di huấn của Người bằng những “kế hoạch thật tốt”, “không ngừng nâng cao đời sống nhân dân” để hôm nay nông dân “thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất”.

Một quốc gia nông nghiệp, nông dân luôn là “cứ địa” trọng yếu trong thời chiến lẫn thời bình. Và hiện nay, dân biết nhiều cách làm giàu, nước ắt sẽ thêm mạnh…

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>