40 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang: Bồi hồi ngày họp mặt đầu tiên

14/12/2017 | 08:37 GMT+7

Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Phú Lợi vừa phối hợp với ngành chức năng tỉnh tổ chức Họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang (10/10/1977 - 10/10/2017). Đây là buổi họp mặt đầu tiên kể từ ngày thành lập nên ai nấy cũng có nhiều cảm xúc.

Cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang mừng vui ngày họp mặt.

Mới 7 giờ sáng, hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh có khoảng 250 cán bộ, chiến sĩ từng tham gia Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang tề tựu về. Những cái bắt tay, ôm nhau thắm thiết sau bao năm xa cách, những câu chuyện một thời lửa đạn được kể nhau nghe không ngớt...

Những trận đánh hào hùng

Là một trong những người có thời gian chiến đấu khá lâu ở Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang, nay là Phó ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Phú Lợi, ông Đỗ Năm Hiền nhớ lại: “Ngày 10-10-1977, Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang chính thức được thành lập tại thị xã Sóc Trăng. Nòng cốt của tiểu đoàn là cán bộ, chiến sĩ được điều động từ Tiểu đoàn Nam Hải, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang, nhằm đáp ứng yêu cầu cơ động chiến đấu, trấn áp bọn phản động nhen nhóm chống phá cách mạng, đồng thời sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới theo lệnh của Quân khu. Cuối năm 1978, theo lệnh của Quân khu, Tiểu đoàn cơ động lên tỉnh An Giang tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, lúc đầu cùng tham gia với Trung đoàn 1 tại khu vực Tịnh Biên, Nhà Bàn, sau đó triển khai đội hình bảo vệ khu vực núi Sam - Châu Đốc để đánh trả Pôn-Pốt lấn chiếm biên giới”.

Thời gian này, Pôn-Pốt tiến hành các cuộc tấn công sang nhiều khu vực ở An Giang, giết hại đồng bào dã man ở Ba Chúc và một số nơi khác, sự tàn bạo của chúng đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ quyết tâm chiến đấu, trả thù cho đồng bào.

Nhận thức được tầm quan trọng ở khu vực chốt chặn, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn quyết tâm chiến đấu, quyết giữ vững địa bàn được trên giao. Đêm 15 rạng 16-12-1978, địch đưa quân vượt biên giới tấn công Đại đội 3, thuộc tiểu đoàn. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ chiến đấu rất quyết liệt. Mặc dù địch đã sử dụng hỏa địch mạnh hòng áp đảo và giành thế chủ động trên chiến trường, nhưng với ý chí dũng cảm, đơn vị đã bẻ gãy các đợt tiến công của địch, diệt nhiều sinh lực, buộc chúng phải bỏ chạy khỏi trận địa.

Ngày hôm sau, tiểu đoàn cùng với một số đơn vị chủ lực của Quân khu 9 tổ chức tiến công địch còn chiếm giữ ở Bà Bài, buộc chúng tháo chạy về bên kia biên giới.

“Đây là trận đánh đầu tiên đạt hiệu suất chiến đấu cao, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với lực lượng vũ trang Hậu Giang tham gia bảo vệ biên giới. Qua trận đánh, tiểu đoàn đánh giá được thực chất sức mạnh của địch, tinh thần chiến đấu và tin tưởng khả năng của bộ đội, chỉ huy”, ông Hiền cho biết thêm.

Cuối năm 1978, theo lệnh của Quân khu, Ban Chỉ huy tiền phương Hậu Giang điều tiểu đoàn đến khu vực xã Phú Hữu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Tại đây, tiểu đoàn phối hợp với các đơn vị tham gia tiến công địch tại khu vực Vàm Cỏ Lau do Sư đoàn 210 Pôn-Pốt phòng ngự. Sau 3 ngày đánh địch liên tiếp, tiểu đoàn cùng với đơn vị bạn phá vỡ tuyến phòng ngự của Sư 210 Pôn-Pốt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, buộc chúng lùi sâu vào trong nội địa.

Sau đó, tiểu đoàn tham gia chiến đấu tiến công địch tại khu vực núi Sôm, tỉnh Tà Keo, bảo vệ tuyến hành lang cho Quân đoàn 2 tiến công địch ở Quốc lộ 2 vào Phnôm Pênh, đồng thời tiến công địch ở núi Tượng Lăng, ngã tư Chuk, tỉnh Cam Pốt. Cuộc chiến đấu nơi đây diễn ra vô cùng ác liệt, gần 2 tháng, ta và địch giằng co nhau suốt, có lúc ta đối đầu với xe tăng địch, lực lượng bị hao hụt rất lớn, có đại đội chỉ còn vài cán bộ, chiến sĩ, nhưng tiểu đoàn vẫn kiên cường chiến đấu, liên tục tiến công địch và rồi loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí, đè bẹp mọi sự phản kích của chúng, hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

Từ năm 1980-1985, tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đứng chân trên địa bàn huyện 16 phối hợp với Tiểu đoàn 378 truy quét đánh địch, giúp bạn xây dựng chính quyền. Tháng 6-1988, tiểu đoàn rút về nước, kết thúc 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.

Chặng đường 10 năm làm nghĩa vụ giúp bạn là những trang sáng ngời nghĩa tình quốc tế thủy chung, son sắt. Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang đã kề vai sát cánh, chung sức chung lòng với lực lượng vũ trang cách mạng của bạn, góp phần cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, đánh đổ phản động Pôn-Pốt.

Ấm tình đồng đội

Có mặt tại buổi họp mặt, ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phú Lợi - Hậu Giang, cho biết: “Những năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia rất ác liệt. Lùi 1-2km là sự sống bình yên, tiến 1-2km là chiến trường, sự sống và cái chết trong nháy mắt, nhưng sự quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, sự chỉ đạo kịp thời của Quân khu, giúp đỡ của nhân dân nước bạn nên tiểu đoàn hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Từ khi thành lập, đây là lần đầu tiên tiểu đoàn tổ chức họp mặt. Nhận được tin, nhiều người không ngại đường sá xa xôi đến tham dự, vừa gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe đồng chí, đồng đội, vừa để biết đời sống kinh tế của nhau.

Nhận được thư mời họp mặt, lòng ông Lý Văn Bé, ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, đầy vui mừng. Đêm trước ngày họp mặt, ông Bé thao thức, mong trời mau sáng để được gặp đồng chí, đồng đội.

Đến đây, gặp những người từng cùng “nằm gai nếm mật”, ông bùi ngùi: “Qua bao năm chiến đấu rồi về nước, không ngờ chúng tôi có ngày họp mặt như thế này. Gặp được đồng chí, đồng đội tôi thấy mình như khỏe ra, mong sao họp mặt như thế này được duy trì”.

Chiến tranh đã lùi xa, cán bộ, chiến sĩ ngày ấy trở về với cuộc sống đời thường, có người tiếp tục phục vụ quân đội. Trong số ấy vẫn còn một số cựu chiến binh đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt khó, thời gian qua, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn đã vận động các mạnh thường quân cất tặng 18 căn nhà đồng đội, hỗ trợ tiền để đồng đội có hoàn cảnh khó khăn chữa bệnh với tổng kinh phí 800 triệu đồng. Ông Hiền cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phong trào giúp nhau vượt khó để anh em đồng đội được thoát nghèo, ai ai cũng có mái ấm kín đáo”.

Buổi họp mặt diễn ra trong thời gian không lâu nhưng đã làm ấm lòng mỗi đại biểu đến dự, nhất là những cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. Giờ có nhiều cán bộ, chiến sĩ năm xưa tuy mắt đã mờ, tay run, sức khỏe đã yếu nhưng lòng yêu nước vẫn nồng nàn và tình đồng chí vẫn vẹn nguyên như thuở còn chung một chiến hào!

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>