Trường Sa không xa !

20/05/2022 | 08:46 GMT+7

Biết bao người đã bỏ lại gia đình, quê hương, không tiếc tuổi xuân để trụ vững giữa trùng khơi, giữ gìn từng tấc đất, tấc biển cho đất nước. Có những người đã mãi mãi nằm lại nơi này, gửi thân trên đảo, máu hòa vào biển và linh hồn vẫn đau đáu hướng về quê hương...

Tàu cá của ngư dân được cung cấp nước đá tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây.

Bài 5: Chung sức vì Trường Sa

Tiếp nối những chiến công của các thế hệ đi trước, các cán bộ, chiến sĩ, người dân tại huyện đảo Trường Sa nói riêng và cả nước nói chung đang ngày đêm nỗ lực vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì Trường Sa thân yêu phát triển giàu đẹp hơn, để Trường Sa đó tuy xa mà gần.

Giữ vẹn biển, đảo quê hương

Quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hiện có 21 đảo với 33 điểm, trong đó có 12 đảo chìm, được hình thành bởi các rạn san hô. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, các đảo, điểm đảo này đã trở thành những pháo đài kiên trung, vững vàng, cùng với các điểm đảo tiền tiêu khác trên cả nước, tạo nên một thành lũy vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Để có được Trường Sa hôm nay, đã có rất nhiều sự nỗ lực, vượt qua những khó khăn, gian khổ, mất mát.

Các thế hệ sau vẫn tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha, ông, xung phong ra đảo. Khoác lên mình màu áo lính hải quân, hàng năm, các lớp chiến sĩ trẻ từ giã gia đình, bạn bè để đi làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Họ không mất đi tuổi trẻ, mà tuổi trẻ của họ thật đẹp khi được là người lính đảo Trường Sa, được canh giữ một phần máu thịt không thể tách rời của đất nước. Sau hơn 4 tháng nhận nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan B, chiến sĩ Lê Công Đại, chia sẻ: “So với những người cùng nhập ngũ với mình, tôi thấy rất vinh dự và tự hào vì được ra đảo để cống hiến cho Tổ quốc, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng”.

Tại đảo Cô Lin, nơi đối diện ở khoảng cách khá gần với bãi đá Gạc Ma do Trung Quốc đang chiếm giữ, tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác của các cán bộ, chiến sĩ lại càng được nâng cao. Theo Thiếu tá Bùi Đức Cương, Chính trị viên đảo Cô Lin: “Từ khi còn ở đất liền, các chiến sĩ mới đã được huấn luyện rất kỹ càng để tiếp nhận với công việc ngay khi ra đảo. Do đó, các chiến sĩ đều nhanh chóng thích nghi với môi trường trên đảo, ý thức trách nhiệm và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của họ đều rất cao”.

Đóng quân tại 21 đảo với 33 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, là một lữ đoàn anh hùng khi luôn kiên trung, bảo vệ vững chắc quần đảo trọng yếu của đất nước. Theo Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, cho biết: “Để thực hiện tốt việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Việt Nam, lữ đoàn thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, quân và dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của một quân nhân, một người dân ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, nơi mà cả nước đều hướng về. Chúng tôi thường xuyên giúp bộ đội thấy rõ vị trí, tầm quan trọng nơi đóng quân của mình và nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Huấn luyện cho bộ đội thành thạo các loại vũ khí, trang bị, tăng cường quan sát, phát hiện mục tiêu, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ”.

Dù đến từ bất cứ nơi đâu trên đất nước này, nhưng khi nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thấm nhuần phương châm: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Giữa biển cả, những cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân, mà cụ thể là Lữ đoàn 146 anh hùng, vẫn đang ngày đêm siết chặt tay súng, để giữ vững từng tấc đất, sải biển cho đất nước ta.

Bám biển, đảo quê hương

Những năm qua, lớp lớp người dân đã cùng nhau ra đảo để sinh sống, dựng xây mái ấm gia đình. Dù cơ sở vật chất không thể sánh bằng đất liền, nhưng ở đảo luôn dạt dào tình yêu thương, sự gắn bó, san sẻ giữa quân và dân, giữa các hộ dân với nhau. Mỗi đảo là một tập thể đoàn kết, gắn bó, cùng nhau sống, lao động, chiến đấu, quyết tâm bám biển, đảo quê hương.

Cách đây 4 năm, anh Lê Xuân Việt, quê gốc ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, cùng vợ con ra sinh sống tại đảo Trường Sa Lớn. Anh Việt kể: “Trước đây khi ở đất liền, chỉ nghe nói về quần đảo Trường Sa, nhưng ai cũng yêu mến và muốn ra để cho biết. Ra đây rồi càng thấy yêu và gắn bó với cuộc sống ở đảo nhiều hơn. Các cán bộ, chiến sĩ luôn quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân. Nghĩ đến lúc về bờ, tôi lại thấy lưu luyến, vì ở đây cũng như ngôi nhà thứ hai của mình rồi. Chỉ mong sẽ có cơ hội để về thăm lại nơi này”. Đó cũng là tâm trạng chung của các hộ dân đang sinh sống tại huyện đảo Trường Sa. Với họ, đảo giờ đây không phải là nơi để đến, mà là nơi để về. Vì biển, đảo chính là quê hương…

Không chỉ có những người dân sinh sống trên đảo, mà ngư dân đang làm việc tại các ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, cũng đang ngày ngày nỗ lực bám biển để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số đó, có ông Nguyễn Văn Sang, ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Hơn 50 tuổi, nhưng ông Sang đã có gần 40 năm làm nghề đánh bắt hải sản trên biển. Ông Sang kể: “So với trước đây, nghề cá bây giờ khó khăn hơn nhiều lắm. Xăng dầu tăng giá liên tục mà lượng cá tôm cũng không còn dồi dào như trước nữa. Nhưng cũng may, nhờ có Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí, nên chúng tôi lại có động lực, mạnh dạn ra khơi. Ngư dân chúng tôi ai cũng quyết tâm vượt khó bám biển, để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Nhắc đến việc hỗ trợ người dân vươn khơi bám biển, phải nói đến các âu tàu, Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Trường Sa, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây,... và các tàu dịch vụ hậu cần đang vươn khơi để sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân trong nhiều hoạt động trên biển. Gần 5 năm nay, ông Bách Văn Năm, quê ở Thanh Hóa, gắn bó với công việc trên tàu dịch vụ hậu cần thuộc Hải đoàn 129. Vốn là một ngư dân, nên ông thấu hiểu những nỗi khó khăn, vất vả của ngư dân khi đánh bắt xa bờ. Công việc hiện tại có địa bàn hoạt động rộng hơn, lại nguy hiểm do phải phục vụ người dân bất kể khi có sóng gió, biển động. Thế nhưng, ông vẫn quyết tâm gắn bó với nghề để giúp đỡ ngư dân được nhiều hơn.

Ngày ngày, những chiếc tàu dịch vụ hậu cần chia nhau hoạt động trên khắp quần đảo Trường Sa để cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trong những trường hợp ngư dân gặp tai nạn lao động, hoặc tàu bị hư hỏng.

Trách nhiệm và kỳ vọng về một tương lai phát triển ở Trường Sa

Bắt đầu hoạt động từ năm 2005, từ một khu nhỏ, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, mở rộng với nhiều dịch vụ đa dạng như sửa chữa tàu miễn phí, cung cấp nước đá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, cứu hộ, cứu nạn,... cho ngư dân với giá cả tương tự như trên đất liền. Giữa biển khơi, trung tâm đã trở thành một điểm tựa quan trọng của ngư dân cả nước khi đến với Trường Sa.

Ông Hồ Mạnh Tưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, cho biết: “Năm 2021, có gần 1.000 chiếc tàu vào trung tâm để nhận dịch vụ và sửa chữa. Trong tương lai sẽ càng ngày càng tăng. Hoạt động của trung tâm giúp ngư dân giảm bớt chi phí và thuận tiện hơn trong quá trình đánh bắt, giúp bà con yên tâm vươn khơi bám biển tại Trường Sa, khẳng định chủ quyền của vùng biển Việt Nam”.

Trên các đảo, đời sống người dân cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo tốt. Những ngôi nhà khang trang, những gia đình hạnh phúc, những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, đủ đầy là minh chứng cho thấy cuộc sống ở Trường Sa thật sự sung túc. Đó là cơ sở để kỳ vọng về một tương lai phát triển hơn ở Trường Sa. Bên cạnh việc đảm bảo cơ sở vật chất cho đời sống hàng ngày, người dân sẽ còn được tạo điều kiện để làm các hoạt động kinh tế như bán quà lưu niệm cho các đoàn công tác, hình thành các cơ sở sơ chế, chế biến hải sản,... Từng bước thực hiện tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về việc xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, xây dựng “Huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Để hiện thực hóa được điều đó, Trường Sa hôm nay đang cần có sự chung tay, giúp sức của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, các thế hệ mai sau chính là những mắc xích quan trọng để tiếp nối tình yêu thương, sự quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo, phát triển huyện đảo Trường Sa vì niềm mong mỏi và lợi ích chung của cả nước.

Theo PGS. TS. Bùi Trung Thành, Trưởng khoa Công nghệ nhiệt lạnh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: “Chuyến đi đến với Trường Sa đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp khó quên. Dẫu cuộc sống còn khó khăn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ và người dân đều có tinh thần chiến đấu cao, luôn rạng ngời hy vọng ở tương lai. Nhìn vào đó, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn với Trường Sa, có sự trăn trở để hiến kế, làm cho cuộc sống ở đây trở nên tốt đẹp hơn, làm cho đảo và đất liền gần nhau hơn. Với vai trò một thầy giáo, sau chuyến đi này, tôi sẽ truyền tải toàn bộ những tư liệu, hình ảnh, những suy nghĩ mình có được đến với các em sinh viên, để các em hiểu hơn về Trường Sa, có trách nhiệm nhiều hơn với biển đảo và công việc của mình sau khi ra trường”.

Trường Sa ngày nay đã ngày càng gần hơn với đất liền khi đời sống, sinh hoạt vật chất, tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ và người dân không ngừng được nâng lên. Trường Sa sẽ càng gần hơn khi mỗi chúng ta luôn hướng về Trường Sa, cùng chung tay đóng góp vì một Trường Sa tương lai tốt đẹp, vững mạnh hơn.

Và ai đã từng một lần đến với Trường Sa mới thấy: Trường Sa không xa!

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>