Trường Sa không xa !

18/05/2022 | 07:58 GMT+7

Ở nơi đầy nắng, gió như huyện đảo Trường Sa, việc tăng gia sản xuất tưởng chừng rất khó, nhưng nhờ có sự cần cù, bàn tay chăm chỉ của cán bộ, chiến sĩ, người dân, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào tăng gia sản xuất, ở các đảo chìm đảo nổi vẫn có những vườn rau xanh ngắt.

Chiến sĩ trên đảo Cô Lin đang chăm sóc cho những luống cải xanh tốt được trồng trong nhà kính.

Bài 3: Sức sống xanh ở nơi hải đảo xa xôi   

Đến thăm các đảo, điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, các vườn rau tăng gia luôn là một trong những nơi thu hút nhiều đại biểu.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Gọi là vườn rau, nhưng trên các đảo chìm, đó chỉ là những khoảng sân có diện tích khoảng 20-35m2. Ở đó, các nhà kính được dựng lên từ cây gỗ, cây sắt, những tấm tôn, tấm bìa,... Bên trong, các cán bộ, chiến sĩ trồng nhiều loại rau xanh, như rau muống, cải bẹ xanh, mồng tơi, lá lốt, tía tô, mướp, rau răm... tất cả đều phát triển xanh tốt. Nhìn những vườn rau này, ai cũng ngạc nhiên trước sức sống xanh ở nơi hải đảo xa xôi.

Ít ai biết được, để tạo nên những vườn rau này, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo đã có nhiều nỗ lực, vượt khó. Do được hình thành từ các rạn san hô, nên đất đai ở Trường Sa khá khô cằn, không màu mỡ, phì nhiêu. Để trồng được rau, củ, quả, phải có đất đai, thùng xốp, hạt giống,... từ đất liền mang ra. Thêm vào đó, với khí hậu khá khắc nghiệt, chỉ có sóng biển, nắng và gió, việc trồng, chăm sóc rau càng không dễ dàng. Có những hạt giống gieo xuống, nhưng mãi chẳng thấy nảy mầm. Có những luống rau vừa xanh màu, đã héo rũ trước nắng gió. Rồi có lúc giông bão kéo đến, bao nhiêu công sức mà các cán bộ, chiến sĩ, người dân bỏ ra lại tan tành,...

Nhưng với ý chí kiên cường, sự cần mẫn vốn có của người Bộ đội Cụ Hồ, họ lại quyết tâm tăng gia sản xuất, để những mùa rau tiếp tục xanh tươi nơi đảo xa. Trong các đảo ở Trường Sa, Trường Sa Đông là một trong những đảo có vườn rau tăng gia với quy mô, diện tích lớn nhất, trồng các loại rau, củ, quả đa dạng, xanh tốt. Năm 2021, đảo Trường Sa Đông đã tăng gia được 7.150kg rau, củ, quả, cung cấp đầy đủ nhu cầu cho bữa ăn hàng ngày tại đảo. Đây là thành quả lao động chăm chỉ của các cán bộ, chiến sĩ tại đảo. Chiến sĩ Trương Nhật Trường cho biết: “Việc chăm sóc rau tại vườn rau tăng gia của đảo là công việc thường xuyên, hàng ngày của chúng tôi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng tôi lại tranh thủ cùng nhau tăng gia. Nhìn những vườn rau xanh tốt, chúng tôi cũng cảm thấy rất vui và tự hào”.

Tại các đảo chìm, việc trồng và chăm sóc rau còn khó khăn hơn các đảo nổi. Tuy nhiên, nhờ được che chắn trong nhà kính, tránh được nắng gió, hơi mặn của biển, nên các loại rau, củ, quả ở đây cũng vươn mình phát triển xanh tốt. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Chính trị viên đảo Tốc Tan B, cho biết: “Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, nhiều chiến sĩ đã có kinh nghiệm dày dặn trong trồng và chăm sóc rau. Chúng tôi thường xuyên cải tạo các loại đất và trồng các loại rau đúng thời vụ, cho năng suất cao. Từ đó, giúp bộ đội có bữa ăn phong phú hơn, đảm bảo được đời sống vật chất, tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đấy cũng là hậu phương vững chắc, là động lực cho bộ đội chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trồng rau ở đảo nổi, đảo chìm

Những năm gần đây, việc tăng gia sản xuất trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa ngày càng thuận lợi hơn nhờ được đầu tư, tích cực ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các vườn rau ở đảo chìm đều được trồng trong các nhà kính chắc chắn, đủ sức che mưa, chắn gió và chống chịu trước giông bão. Trong vườn, các loại rau được trồng ngày càng đa dạng. Ngoài các loại rau quen thuộc, dễ trồng như rau muống, mồng tơi, rau mùi,... trên đảo giờ còn trồng được đu đủ, chanh dây, khổ qua, các loại bầu, bí, mướp cao sản. Đa số các loại rau phổ biến ở đất liền, nay đều có thể trồng được ở đảo.

So với đảo chìm, vườn rau tăng gia của đảo nổi còn có quy mô lớn hơn, với các loại rau đa dạng, phong phú. Các đảo được đầu tư nhà lưới, nhà màng có diện tích lên đến hàng trăm mét vuông, giúp việc trồng rau hạn chế được tác động của thời tiết, khí hậu và các loại côn trùng, sâu hại. Ngoài ra, các đảo còn có hệ thống bể chứa nước mưa, đảm bảo lượng nước dành riêng cho việc tưới tiêu. Hàng tháng, các chuyến tàu cập đảo mang theo các loại hạt giống, phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ cho việc trồng trọt. Một số đảo còn có những vườn ươm để tự túc nguồn cây giống và chia sẻ cho các đảo khác.

Bên cạnh những vườn rau tăng gia của bộ đội, các loại rau trong sân nhà của các hộ dân cũng góp phần làm cho các đảo nổi thêm xanh màu sức sống. Theo chị Phan Nguyễn Xuân Thùy, người dân của đảo Sinh Tồn, chia sẻ: “Việc trồng rau và các loại cây ở trên đảo không dễ, tuy nhiên, nếu hiểu rõ đặc điểm của từng loại, áp dụng đúng kỹ thuật, thì cây sẽ phát triển tươi tốt. Ngày mới ra đảo, chúng tôi cũng trồng nhưng thành quả không như mong đợi, có cây cũng tốt lắm mà không cho trái. Lâu dần chúng tôi tìm hiểu, chia sẻ với nhau để rút kinh nghiệm, việc trồng trọt cũng dễ dàng hơn”.

Năm nay, Trung tâm Quan trắc - Phân tích môi trường biển đang triển khai thực hiện dự án cải tạo đất sản xuất trên 2 đảo Sinh Tồn và Trường Sa. Cụ thể, dự án sẽ đưa các loại vi sinh vật vào cát và san hô, nhằm cải tạo chất lượng đất đai, phục vụ cho việc trồng rau. Trung tá chuyên nghiệp Vũ Thị Lý, Trung tâm Quan trắc môi trường biển, Quân chủng Hải quân, cho biết: “Hồi trước, chúng tôi có làm trong đất liền rồi và cây cũng phát triển. Quan trọng là nguồn nước và khí hậu ngoài này, với gió biển và nước mặn. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và đánh giá”. Nếu dự án thành công sẽ giúp các việc trồng rau ở Trường Sa giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn đất từ đất liền, mở rộng diện tích sản xuất.

Theo Thiếu tá Bùi Đức Cương, Chính trị viên đảo Cô Lin: “Tăng gia sản xuất là một yếu tố để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, giúp họ có thêm niềm tin, vững tin vào cuộc sống và tăng thêm sức khỏe. Từ đó, hiệu quả của công tác và việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng có nhiều thuận lợi hơn”.

Với sự quan tâm, đầu tư, tích cực ứng dụng công nghệ cao, việc tăng gia sản xuất tại Trường Sa sẽ ngày càng phát triển và giúp đời sống của lính đảo thêm gần hơn với đất liền.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Bài 4: Điểm tựa tinh thần nơi đảo xa

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>