Biển, đảo trong tim chúng ta

19/08/2019 | 17:44 GMT+7

Nhiều cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đoàn viên tỉnh nhà tuy chưa có dịp đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhưng nơi đây luôn được họ hướng về.

Đại đội Trinh sát hướng về Trường Sa, Hoàng Sa.

Bộ đội với biển, đảo

Năm 2014, Đại đội Trinh sát thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây mô hình cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa trong khuôn viên đơn vị.

Mô hình nhanh chóng hoàn thành trong niềm vui mừng, phấn khởi của cán bộ, chiến sĩ. Bốn mặt của cột mốc đều có ghi chi tiết vị trí địa lý của hai quần đảo, phía trên là Quốc kỳ đỏ thắm. 

Theo thiếu tá Phạm Minh Sơn, Chính trị viên Đại đội Trinh sát, với cách ghi chú cụ thể sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu biết rõ hơn. Mỗi tuần, đơn vị đều giao nhiệm vụ cho từng phân đội phụ trách chăm sóc hoa kiểng, vệ sinh cột mốc. Đây là hoạt động thiết thực giúp cán bộ, chiến sĩ yêu quý hơn biển đảo, hướng về biển đảo và học tập, huấn luyện nghiêm túc.

Từ khi hoàn thành công trình cột mốc, trong các buổi sinh hoạt sáng thứ hai hàng tuần, Đại đội đều tổ chức cuộc thi nhỏ tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo với sự tham gia tích cực của cán bộ, chiến sĩ.

Tham gia nghĩa vụ quân sự từ năm 2018 đến nay, mỗi lần bên cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa trong khuôn viên là trung sĩ Nguyễn Phước Sang nghĩ nhiều hơn về biển, đảo; tự nhắc mình phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn trong học tập, huấn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung sĩ Sang cho biết: “Trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự, tôi cũng tìm hiểu lịch sử, vị trí địa lý của hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhưng khi vào đây thì biết rõ hơn, từ đó càng yêu quê hương, Tổ quốc. Tôi sẽ đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì để bảo vệ quê hương, đất nước khi Tổ quốc cần”.

Theo thiếu tá Sơn, mô hình cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa trong khuôn viên ngoài giáo dục cán bộ, chiến sĩ còn giúp cha mẹ chiến sĩ biết thêm về biển, đảo mỗi lần đến thăm con. Từ đó, họ không chỉ cố gắng chăm lo phát triển sản xuất mà còn răn dạy con em nỗ lực trong học tập, chấp hành nghiêm quy định để xứng đáng với những gì ông cha gầy dựng.

Ông Lê Trọng Nghĩa, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cũng như bao người khác đã quen với cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa này mỗi khi đến thăm con đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đại đội.

Ông Nghĩa nói: “Trước đây, cái này (cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa - PV) chỉ được nhìn trên tivi. Xa về địa lý nhưng gần về suy nghĩ và là của đất nước mình. Giờ nó nằm trong khuôn viên Đại đội Trinh sát nên gần hơn nữa. Việc xây dựng cột mốc này thật sự nhiều ý nghĩa!”.

Còn tại Đại đội Thông tin, cũng thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa cách đây khoảng 5 năm.

Theo đại úy Châu Hoàng Vẽ, Chính trị viên Đại đội Thông tin, từ khi xây dựng cột mốc này và tuyên truyền sâu rộng hơn về biển, đảo thì tinh thần học tập, nghiên cứu của mỗi cán bộ, chiến sĩ nâng lên rõ. Bởi họ biết thêm những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo nên cố gắng, nỗ lực hết mình trong học tập, công tác, huấn luyện. Kết quả là nhiều năm qua, đơn vị luôn đạt danh hiệu Quyết thắng.

Đại úy Vẽ nói thêm: “Đất nước ta “Rừng vàng, biển bạc”, vì vậy chúng tôi quyết tâm bảo vệ rừng, bảo vệ biển, một lòng theo Đảng. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Thông tin sẽ mãi hướng về biển, đảo, sẵn sàng làm theo tiếng gọi của Tổ quốc”.

Cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa ở Trường Tiểu học Tân Long 1.

Biển, đảo trong lòng học sinh, đoàn viên

Tại Trường Tiểu học Tân Long 1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, mô hình đất nước, biển, đảo Việt Nam được xây dựng và khánh thành vào đầu năm học 2016-2017. Đưa vào sử dụng, mô hình là thực tế sinh động dùng để giảng dạy các môn học địa lý, lịch sử, giáo dục công dân, giúp học sinh hiểu biết hơn về vai trò, vị trí và tiềm năng của biển, đảo, chủ quyền biển, đảo Việt Nam…

Cô Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long 1, cho biết, tiếp xúc với mô hình, các em còn biết thêm về dáng hình đất nước, vị trí quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, các em cũng được giáo dục về lợi thế, tiềm năng của biển, đảo quê hương để hình thành ý thức công dân có những hành động đẹp, yêu nước, yêu hòa bình.

“Từ khi có mô hình, các tiết dạy, hoạt động giáo dục thực tế, ngoại khóa liên quan đến địa lý, lịch sử, giáo dục công dân, thi vẽ tranh, hái hoa dân chủ về biển, đảo luôn tạo được sự hứng thú cho các em”, cô Võ Việt Oanh chia sẻ thêm.  

Trong khi đó, đầu năm đến nay, Huyện đoàn Phụng Hiệp phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cùng cấp tổ chức 4 lớp tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hơn 240 cán bộ đoàn, đoàn viên, hội viên thanh niên trên địa bàn.

Qua đó, kịp thời bổ sung kiến thức về những bằng chứng lịch sử và pháp lý của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; cung cấp thêm các thông tin, tư liệu, tài liệu và định hướng sâu trong công tác tuyên truyền, phổ biến về biển, đảo đến đoàn viên, hội viên, thanh niên…

Chị Bùi Thị Lệ Nguyên, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp, nói: “Tuổi trẻ Phụng Hiệp luôn hướng về biển, đảo bằng những hành động cụ thể thông qua các cuộc nói chuyện, tọa đàm, phối hợp với các hội đồng đội trường học ở huyện tuyên truyền các mô hình biển, đảo, cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa. Huyện đoàn sẽ còn tiếp tục làm tốt công tác này trong thời gian tới”.

Toàn huyện Phụng Hiệp xây dựng được 10 cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa tại các điểm trường và 3 mô hình biển, đảo tại xã Tân Long, Hiệp Hưng, thị trấn Búng Tàu. Hàng năm, Huyện đoàn và các tổ chức liên quan phối hợp phát động đoàn viên, đội viên, học sinh thi vẽ tranh “Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim em” và nhiều hoạt động hướng về biển, đảo…

Đất liền luôn hướng về biển, đảo; Hậu Giang luôn có những hành động thiết thực vì hải đảo quê hương. Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam thật gần - đó là chủ quyền được xác lập chắc chắn một lần nữa trong tâm trí mọi người!

Ông Lê Hoàng Kinh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Phụng Hiệp, cho biết, những tháng đầu năm 2019, Mặt trận và các tổ chức thành viên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan tới biển, đảo Việt Nam.

“Chúng tôi cũng tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục tuyên truyền những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Kinh nói thêm. 

 

Bài, ảnh: N.TÂN - T.TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>