Tai nạn giao thông đường bộ và những biện pháp kiềm chế

04/10/2021 | 08:35 GMT+7

Bài 3: Phát huy hơn nữa những cách làm hiệu quả

Từ thực trạng phức tạp về trật tự, an toàn giao thông (ATGT), hàng năm, ngành chức năng, địa phương có những mô hình, cách làm phù hợp, quyết liệt để hạn chế, kéo giảm tai nạn giao thông.

Cảnh sát giao thông kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân.

Công tác trong ngành giao thông vận tải gần 30 năm, tham gia tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” về trật tự, ATGT nhưng việc di dời biển báo khu dân cư từ cầu vượt Sóc Trăng đến địa phận giáp ranh tỉnh Sóc Trăng, thuộc phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, khiến ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, nhớ rõ hơn cả.

Chuyển “điểm đen” thành trắng

Theo ông Thành, đoạn đường dài khoảng 3,5km nhưng 9 tháng đầu năm 2019 xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, làm 7 người chết, 2 người bị thương. Thời điểm ấy, ngành chức năng tỉnh, thành phố Ngã Bảy tốn nhiều thời gian, công sức để kiểm tra, tìm phương án.

Sau khi xác định nguyên nhân là do đoạn này có mật độ phương tiện lưu thông khá lớn, nhà dân hai bên đường san sát nhau; một số biển báo giao thông, đèn đường hư, xuống cấp; trong khi nhiều lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn thường xuyên... Ban ATGT thành phố Ngã Bảy phối hợp với Ban ATGT tỉnh kiến nghị cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải thay hệ thống đèn đường cũ thành đèn led, lắp đèn vàng nhấp nháy gần đường vào trụ sở phường Hiệp Thành và cầu chữ Y; kẻ, vẽ lại vạch đường, tim đường giao thông... 

“Chúng tôi còn tăng cường, duy trì tuần tra, kiểm soát; phối hợp di dời, điều chỉnh, bổ sung biển báo giao thông; tuyên truyền các hộ dân sống cặp hai bên đường chấp hành tốt quy định của pháp luật, không lấn chiếm lòng lề đường. Nhờ vậy, năm 2020, đoạn này chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn, còn 9 tháng đầu năm nay không xảy ra tai nạn”, thượng tá Phan Văn Xuyên, Trưởng Công an thành phố Ngã Bảy, chia sẻ.

Ngoài khu vực vừa nêu, nhận thấy cần thiết nên Ban ATGT tỉnh còn phối hợp với các địa phương chọn cách làm phù hợp để xóa từng điểm phức tạp về tai nạn giao thông. Như lắp trên 100m và nắn dải phân cách cứng để điều tiết xe đi vào vòng xuyến tại nút giao nhau giữa Quốc lộ 61 và Quốc lộ 61C (xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh); lắp gần 110m dải phân cách mềm qua cầu 2-9, nối phường I và phường V (thành phố Vị Thanh); lắp dải phân cách mềm và điều chỉnh vòng xuyến tại ngã ba giữa Quốc lộ 61B và đường về trung tâm thị xã Long Mỹ. Tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm. Từ đó, nhiều năm qua, tai nạn giao thông không xảy ra tại những đoạn này. “Chúng tôi chọn khung giờ, địa điểm thường xảy ra tai nạn giao thông mà tập trung tuần tra, kiểm soát, kể cả mật phục”, đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, nhấn mạnh.

Đổi mới tuyên truyền

Trước đây, ông Danh Lợi, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, sau khi uống rượu bia thì chạy xe về nhà thì nay không còn. “Lái xe khi trong người có rượu bia thì không thể xử lý kịp các tình huống đột xuất xảy ra trên đường, đồng thời có tâm lý nóng vội, chạy nhanh về rất nguy hiểm nên tôi quá giang cho an toàn”, ông Lợi kể.

Chuyện nâng cao ý thức của đồng bào dân tộc Khmer trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ được triển khai từ mấy năm trước, xuất phát từ đổi mới tuyên truyền và phù hợp từng lứa tuổi, đối tượng. Qua khảo sát, trước năm 2019, tuy nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh về Luật Giao thông đường bộ được nâng lên, song vẫn còn nhiều người chấp hành chưa nghiêm như: không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông; lái xe trong tình trạng say rượu, bia...

Trước thực trạng đó, Ban ATGT tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đến đồng bào dân tộc để họ hiểu, nắm vững mà chấp hành.

Vào các dịp lễ, tết, ngày rằm, khi bà con phật tử đến cúng bái, trụ trì các chùa Khmer còn dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ. Ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết, từ năm 2019 đến nay, nhận thức, hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn đã được nâng lên. Giờ đây, hầu hết họ tham gia giao thông đều đội nón bảo hiểm, thực hiện đúng các quy định về ATGT.

Trong đổi mới tuyên truyền, các địa phương cũng xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay về đảm bảo trật tự, ATGT, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể như: “Nông dân với văn hóa giao thông”, “Hội cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự, ATGT”, “Đội xung kích tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên sông”, “Đội Thanh niên tình nguyện sơ ứng cứu nhanh”...

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: “Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục chỉ đạo ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố củng cố, nâng chất các cách làm, mô hình hay, hiệu quả trong đảm bảo ATGT; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến đường của tỉnh. Đặc biệt, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lái xe có hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm về nồng độ cồn...”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, địa phương thông qua những giải pháp rõ ràng, cụ thể sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, góp phần vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội tỉnh nhà.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>