Nỗi lo học sinh vi phạm an toàn giao thông

21/02/2022 | 08:11 GMT+7

Việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của khá nhiều học sinh, phụ huynh trên các tuyến đường của tỉnh nói chung, thành phố Vị Thanh nói riêng hiện nay chưa nghiêm.

Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vị Thanh kiểm tra hành chính một học sinh điều khiển xe mô tô.

Theo đó, nhiều học sinh THPT, THCS điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể là không đội nón bảo hiểm; không đủ tuổi mà vẫn điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; kè nhau trên đường, phóng nhanh, vượt ẩu, không nhường đường. Chưa kể, nhiều phụ huynh không đội nón bảo hiểm cho con em mình khi đưa rước đến trường bằng xe mô tô, xe gắn máy.

Đang điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh 50cm3 đi học về, em N.Q.B., học sinh lớp 10A8, Trường THPT Vị Thanh, bị lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Vị Thanh ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện B. chưa đủ tuổi để điều khiển xe gắn máy (tháng 4 tới B. mới đủ 16 tuổi). “Em không biết như thế là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thấy cha mẹ cho phép lấy xe để đi học nên em tưởng vậy là đảm bảo đúng luật”, B. giải thích.

Theo một cán bộ Đội cảnh sát giao thông Công an thành phố Vị Thanh, hầu hết các trường hợp vi phạm như thế đều bị lập biên bản nhắc nhở, xử lý để các em biết lỗi, không tái phạm. Cụ thể năm 2021, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố phát hiện, xử lý trên 400 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông, trong đó hơn 200 trường hợp là học sinh tại các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố.

Dự báo được tình hình học sinh THPT, THCS vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi học trực tiếp trở lại, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an thành phố Vị Thanh đã phối hợp với các trường THPT, THCS trên địa bàn tuyên truyền những quy định về trật tự, an toàn giao thông đến giáo viên, học sinh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các lỗi học sinh thường vi phạm khi tham gia giao thông, mức xử phạt từng lỗi, hậu quả của tai nạn giao thông.

Ngoài ra, các trường THPT trên địa bàn thành phố còn tuyên truyền, vận động phụ huynh không giao xe mô tô, xe gắn máy cho con em khi chưa đủ tuổi; thống kê số lượng học sinh đi xe mô tô, xe gắn máy từng lớp; cho học sinh ký cam kết chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông. “Sau khi ký cam kết, nếu học sinh nào vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo nội quy quy định của trường và xem xét hạnh kiểm vào cuối năm học”, thầy Nguyễn Hoài Nhớ, Bí thư Đoàn Trường THPT Vị Thanh, cho biết.

Bên cạnh đó, các trường còn lập danh sách những học sinh cá biệt thường vi phạm Luật Giao thông đường bộ để phối hợp với phụ huynh kèm cặp, giáo dục; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố tuyên truyền các quy định về trật tự, an toàn giao thông...

Công an thành phố Vị Thanh dự báo, tình hình trật tự, an toàn giao thông thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, trong đó nhiều thanh thiếu niên, học sinh có nguy cơ vi phạm khi tham gia giao thông nên đơn vị sẽ mở các đợt kiểm tra theo chuyên đề. “Chúng tôi cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát và chú ý các buổi sáng, trưa, chiều nhằm phát hiện những trường hợp vi phạm, nhất là học sinh để xử lý nghiêm”, thượng tá Trần Văn Phước, Phó trưởng Công an thành phố, khẳng định.

Cùng với lực lượng công an, nhà trường thì các gia đình cần cân nhắc trước khi mua xe mô tô, xe gắn máy cho con em mình; trang bị kiến thức và thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>