Nâng cao nhận thức an toàn giao thông trong đồng bào dân tộc Khmer

06/08/2019 | 10:39 GMT+7

Cùng với ngành chức năng, địa phương, các vị sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành luật đối với bà con Khmer.

Mỗi khi ra đường, chị Danh Thị Mộng Linh đều chấp hành tốt quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Theo đại đức Danh Hậu, trụ trì chùa Ôchumvongsa, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, hầu hết các ngày lễ, tết, ngày rằm, khi bà con phật tử đến cúng bái, chùa dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ như phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông; không chở 2, chở 3; đã uống rượu, bia thì không lái xe…

“Chúng tôi còn yêu cầu bà con phật tử giáo dục, khuyên dạy con cháu chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ và nhắc nhở, chấn chỉnh ngay khi phát hiện sai phạm. Chưa kể, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc cũng thường xuyên lồng ghép thực hiện vấn đề này thông qua các cuộc gặp, thăm hỏi bà con ở địa phương. Từ đó, giúp đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông”, đại đức Danh Hậu khẳng định.

Do đặc thù công việc nên chị Danh Thị Mộng Linh, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thường xuyên sử dụng xe gắn máy để đi lại. Quan trọng là trước khi đi xa hay gần, chị đều chuẩn bị đầy đủ nón bảo hiểm, giấy tờ có liên quan. Chị Linh cho biết: “Ngoài bảo vệ bản thân, việc làm đơn giản này còn góp phần giáo dục, hình thành thói quen, ý thức chấp hành pháp luật cho con em trong gia đình mình”.

Ý thức được điều đó nên mỗi khi lên xe, cháu Danh Tài, 7 tuổi, con của chị Linh luôn đội nón bảo hiểm. “Nghe cô giáo và mẹ nói tuổi của con là đội nón bảo hiểm được rồi, như thế vừa an toàn vừa đẹp, nếu không bị mọi người chê cười”, Danh Tài nói.

Do có nhiều bạn bè, người thân nên trước đây, ông Danh Lợi, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, thường điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say rượu, bia sau mỗi lần họp mặt, ăn tiệc. Tuy nhiên, khi được ngành chức năng, các vị sư sãi của chùa trên địa bàn tuyên truyền, vận động, nhắc nhở thì hành vi không đúng này giờ đã giảm hẳn. Bởi theo ông, lúc có rượu, bia trong người mà lái xe dễ mất kiểm soát, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông khá cao.

“Bây giờ hễ có đám tiệc liên quan đến bia, rượu là tôi đều quá giang hay rủ người thân đi cùng để chở về. Chứ có rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông sẽ rất nguy hiểm, lại gây tác động xấu đến ý thức của con cháu trong nhà”, ông Danh Lợi thừa nhận.           

Ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho hay những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã quan tâm phối hợp với ngành chức năng, địa phương tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào dân tộc Khmer chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi lái xe. Cụ thể là cho ký cam kết việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; hướng dẫn các quy tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông; tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và những hậu quả do tai nạn giao thông gây ra… Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong đồng bào dân tộc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, bên cạnh đa số người dân chấp hành tốt, vẫn còn một số trường hợp chấp hành chưa nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Phổ biến là hành vi không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định, không kính chiếu hậu, nẹt pô, hú ga, thậm chí có nhiều thanh niên chưa đủ tuổi vẫn điều khiển phương tiện phân khối lớn.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết nhận thức một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer về Luật Giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế, đây là những nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông lớn ở vùng nông thôn. Vì vậy, thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật giao thông cho đồng bào dân tộc, ban thường tập trung phổ biến về lợi ích của việc đội nón bảo hiểm, tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện; cách xử lý các tình huống và kỹ năng điều khiển phương tiện khi qua đường giao nhau, lúc trời mưa…

Ngành chức năng còn dành nhiều thời gian cho bà con hỏi - đáp về Luật Giao thông đường bộ, cách phòng tránh các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông, cách xử lý tình huống khi bị tai nạn giao thông. “Thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trật tự an toàn giao thông cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”, ông Thành khẳng định.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>