Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông: Tăng tốc thực hiện

29/07/2022 | 09:16 GMT+7

Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Phó Thủ tướng đề nghị giai đoạn 2 của dự án phải xác định rõ mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Bám sát tiến độ giai đoạn 1

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài khoảng 650km được chia thành 11 dự án thành phần. Đầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km đã đưa vào khai thác, 10 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch. 100% hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng đã được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; bàn giao 99,95% mặt bằng, còn lại khoảng 305m dự kiến hoàn thành trong tháng 7 này (gồm đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (địa bàn Nghệ An) còn vướng 55m; đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn Khánh Hòa) còn vướng 250m).

Tính đến ngày 15-7, tổng giá trị xây lắp đạt hơn 25.000 tỉ đồng, tương đương 45% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,52%. Trong đó, 4 dự án hoàn thành trong năm 2022 có sản lượng trung bình đạt 63,3% giá trị hợp đồng; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 44,4% giá trị hợp đồng; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 13,4% giá trị hợp đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, đến nay giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, còn 250m và một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời, đang được các địa phương tích cực tháo gỡ. Quá trình triển khai một số đoạn gặp khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường, nhưng đến nay đã có hướng tháo gỡ. Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công nền đường và các lớp móng, mặt đường, nhất là đối với các dự án có yêu cầu hoàn thành trong năm 2022. Biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng cũng tác động không nhỏ đến quá trình thi công.

Tăng tốc giải phóng mặt bằng

Công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông, giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được đầu tư xây dựng với 3 đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau. Vào trung tuần tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức phê duyệt toàn bộ 12 dự án thành phần. Đây là cột mốc quan trọng chuyển từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư sang giai đoạn triển khai thực hiện dự án. Quyết định này được ban hành ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố có dự án thành phần đi qua đang khẩn trương kiểm đếm, đo đạc, giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ khởi công dự án vào cuối năm. Tại Hậu Giang, thời gian qua UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo công tác này, sau khi nhận bàn giao ranh mốc giải phóng mặt bằng cả đợt 1 và đợt 2 đều hoàn thành kiểm đếm sớm tiến độ. Đây là sự nỗ lực lớn của tỉnh và các địa phương để đáp ứng yêu cầu khởi công dự án vào cuối năm.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phân bổ nguồn kinh phí để sau khi tỉnh phê duyệt phương án thì tiến hành chi trả kịp thời để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng đã cam kết.

Bên cạnh tăng tốc giải phóng mặt bằng, hiện nay vấn đề được các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm là nguồn cung và biến động tăng giá vật liệu xây dựng. Công tác khai thác vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu đắp nền cần nhiều bước triển khai và là yếu tố quyết định tiến độ thi công của dự án. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguồn vật liệu cát đắp rất khó khăn, chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp với nguồn cung cấp rất hạn chế.

Ông Dương Viết Doãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long đề xuất Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan cần sớm tập trung tháo gỡ vấn đề liên quan đến biến động giá vật liệu xây dựng tăng. Bởi đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện dự án, nhất là ở giai đoạn thi công kết cấu mặt đường.

Để tiến trình triển khai dự án đảm bảo yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư và cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án thành phần.

Hiện nay, 12 dự án thành phần đã phê duyệt xong, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để bảo đảm cơ sở thực hiện. Tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao 70% diện tích các gói thầu khởi công trước ngày 20-11. Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để rà soát mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng. Đối với tỉnh Đồng Tháp và An Giang, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị rà soát, bổ sung các mỏ cát và nâng công suất các mỏ đang khai thác để bảo đảm nguồn cung cho các dự án cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức các công việc để khởi công dự án trước ngày 31-12-2022. Khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, lập thiết kế kỹ thuật, thẩm định, phê duyệt thiết kế, chọn lựa nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp.

Nhấn mạnh việc phát triển đường cao tốc là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng tạo ra sự động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phải đổi mới phương pháp, tổ chức giao ban hàng tuần để xem xét công việc, tiến độ thi công hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật. Đối với giai đoạn 2 của dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà thầu, khởi công toàn bộ 729km trước ngày 31-12. Đồng thời, khẩn trương triển khai quyết định giao cho các địa phương làm chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng. Tiến hành phân bổ kịp thời nguồn vốn để đảm bảo đến ngày 31-12 có 70% mặt bằng để thực hiện dự án.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>