Chuyển biến từ việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

29/07/2022 | 09:24 GMT+7

Thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 5-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trong tình hình mới, ngành chức năng, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp, làm chuyển biến nhận thức người tham gia giao thông đường thủy.

Thông qua công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà các bến khách ngang sông chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Chủ phương tiện đồng thuận

Ông Lý Nhơn Quyền, ở ấp 7A1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, mở bến đò ngang sông hơn 10 năm qua, nên rất chú trọng các biện pháp đảm bảo an toàn. Cụ thể, ngoài thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định, ông còn trang bị phao cứu sinh, đèn khi hoạt động vào ban đêm... Tuy nhiên, đôi lúc ông vẫn còn chở quá số người quy định.

Sau khi được ngành chức năng tuyên truyền và cho cam kết thực hiện đúng, đủ các quy định của bến khách ngang sông như: sử dụng phương tiện vận tải đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; bến hoạt động đúng nội dung ghi trong giấy phép; người điều khiển phương tiện có bằng, chứng chỉ phù hợp; không chở quá số người quy định, không chở hàng hóa quá tải trọng cho phép... Từ đó, giúp ông Quyền nâng cao nhận thức trong việc chấp hành tốt các quy định của bến khách ngang sông.

“Không vì lợi ích cá nhân mà vi phạm quy định, ảnh hưởng an toàn khi đưa khách ngang sông. Tôi sẽ thực hiện đúng, đủ với những gì đã cam kết”, ông Quyền nói. Ngoài ông Quyền thì hầu hết chủ các bến đò khác trong tỉnh cũng đều thực hiện nghiêm những quy định sau khi được tuyên truyền, vận động, ký cam kết, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy trên địa bàn.

Không chỉ chủ bến đò chấp hành nghiêm mà những người trực tiếp lái phương tiện thủy cũng nâng cao nhận thức về công tác này. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tới, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, có ghe gần 50 tấn, dùng để chở thuê ở nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 15 năm qua. Thời gian đầu, vì muốn lợi nhuận nhiều nên hầu như chuyến nào ông cũng chở vượt quá tải trọng. Đáng nói là, nhằm qua mặt lực lượng chức năng, ông lái ghe đi vào những tuyến kênh nhỏ hay vận chuyển vào ban đêm.

Sau khi được ngành chức năng tuyên truyền về những quy định ATGT đường thủy, ông đã thay đổi nhận thức qua việc không còn chở quá tải trọng, thường xuyên đăng kiểm, trang bị dụng cụ cứu sinh... “Lúc chở đúng quy định tải trọng tôi rất an tâm khi vận chuyển, bởi dễ lái và không lo cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục chấp hành đúng quy định về giao thông đường thủy để được an toàn”, ông Tới khẳng định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền   

Để người tham gia giao thông chấp hành tốt những quy định về giao thông đường thủy, 5 năm qua, Ban ATGT tỉnh tổ chức lắp mới, sửa chữa trên 300 pano tại các bến đò ngang an toàn; in và cấp phát trên 820 băng rôn, 26.000 tờ bướm, tờ gấp, 150 áp phích, 5.000 quyển sổ tay, 4.000 quyển cẩm nang các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy. Ngoài ra, phối hợp với sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự, ATGT... lồng ghép với nội dung tuyên truyền Chỉ thị số 23.

Còn Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tổ chức 220 cuộc tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy và nội dung Chỉ thị số 23 thông qua các hình thức cổ động trực quan như: băng rôn, pano, áp phích; thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường thủy. Hàng năm, phối hợp Văn phòng Ban ATGT tỉnh tổ chức Hội nghị ký cam kết thực hiện các quy định bảo đảm trật tự, ATGT, trong đó có các quy định pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy.

Thông qua các hội nghị đã có hơn 450 trường hợp là chủ bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy. “Qua các hoạt động thiết thực đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh”, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Ban ATGT tỉnh, đánh giá.

Tăng cường tuần tra, xử lý

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh còn phối hợp Thanh tra giao thông và Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức 940 cuộc kiểm tra các bến, bãi trên đường thủy và việc khai thác nguồn lợi thủy sản; qua đó phát hiện, nhắc nhở 1.240 trường hợp, lập biên bản 134 trường hợp. Mặt khác, tổ chức 1 cuộc kiểm tra công trình khắc phục sạt lở trên sông Cái Côn, 1 cuộc kiểm tra luồng, tuyến trên kênh Quản lộ Phụng Hiệp, sông Cái Côn.

Qua kiểm tra đã giáo dục, nhắc nhở 7 trường hợp đăng đáy trên sông có nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy. Lực lượng chức năng của tỉnh còn tổ chức 16.300 cuộc tuần tra, kiểm soát đường thủy; qua đó, phát hiện 88.490 trường hợp vi phạm. Những trường hợp vi phạm chủ yếu do lỗi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; vi phạm quy định về bằng, chứng chỉ chuyên môn, về đăng ký, đăng kiểm...

“Nhìn chung, tình hình trật tự, ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên đường thủy được kiểm soát, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy của người dân được nâng lên. Nhờ đó mà góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh”, đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, cho biết.

Theo Ban ATGT tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, việc đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy 5 năm qua trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa; công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa từng nơi, từng lúc chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến hiện tượng xem thường các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy.

Chưa kể là vẫn còn tình trạng lấn chiếm luồng, hành lang an toàn đường thủy, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không bằng, chứng chỉ chuyên môn... “Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức in ấn và phát hành tài liệu tuyên truyền về kỹ năng tham gia giao thông đường thuỷ an toàn với các nội dung thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng; nâng cao chất lượng tuyên truyền cộng đồng thông qua các đợt sinh hoạt, tọa đàm, hội nghị, hội thảo chuyên đề”, ông Mai Văn Tân cho hay.

Cũng theo ông Tân, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường thủy nội địa; xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch cao điểm, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy. Đồng thời, dự báo tình hình, xây dựng các phương án điều tiết giao thông có sự tham gia của các cấp, các ngành khi có thiên tai xảy ra, bảo đảm giao thông thủy được thông suốt trong mọi tình huống.

Từ năm 2017-2021, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 7 người chết, không xảy ra ùn tắc giao thông đường thủy.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>